Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) kích cầu du lịch với Lễ hội Đền Xã Tắc độc đáo
Vào ngày 9 - 10/3 tại Thành phố Móng Cái năm 2024 sẽ diễn ra Lễ hội Đền Xã Tắc. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện du lịch của thành phố Móng Cái năm 2024.
Lễ hội Đền Xã Tắc năm 2024 được tổ chức tại di tích quốc gia Đền Xã Tắc, phường Ka Long và khu vực phụ cận. Lễ hội góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị, nét đẹp văn hóa của Đền Xã Tắc và các danh lam, thắng cảnh, điểm du lịch của Móng Cái.
Không chỉ là di tích ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, hàng năm vào dịp mùng 1 tháng 2 Âm lịch, Đền Xã Tắc (TP Móng Cái) còn diễn ra lễ hội lớn, đặc sắc và độc đáo, riêng có, thu hút hàng ngàn người tham gia. Lễ hội Đền Xã Tắc là sự tôn vinh giá trị trường tồn của di tích cấp quốc gia từ vùng đất địa đầu Tổ quốc tươi đẹp.
Di tích Đền Xã Tắc tọa lạc cạnh ngã ba Xoáy Nguồn, bên bờ sông Ka Long - dòng sông nối liền hai nước Việt - Trung, thuộc khu 3, phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2005, Đền Xã Tắc được công nhận là Di tích cấp tỉnh. Năm 2020, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích Đền Xã Tắc được xây dựng từ trước năm Kỷ Mão 1879, là nơi phụng thờ thần Xã Tắc Đại Vương và thần Cao Sơn Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.
Nằm bên bờ sông Ka Long, dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Đền Xã Tắc từ lâu đã được xem như là một “cột mốc” văn hóa khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt nơi địa đầu biên cương Tổ quốc.
Tế Xã Tắc là đại lễ cổ truyền, có từ thời Đinh, truyền qua Lê, Lý tới nhà Nguyễn và ngày nay. Theo các cứ liệu lịch sử, đàn Xã Tắc của tỉnh Hải Ninh xưa được đặt tại Móng Cái vào khoảng thời gian trước hoặc sau Minh Mạng năm thứ 13 (1832).
Đàn Xã Tắc là nơi tổ chức lễ tế thần Xã (đất) và thần Tắc (lúa), đây là 2 vị thần tiêu biểu cho 5 loại thổ thần và ngũ cốc thần theo tư duy của cư dân nông nghiệp. Hai vị thần này luôn gắn bó với nhau, không tách rời nhau như bản thân đất và lúa trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước. Trong Quốc triều chánh biên toát yếu có viết: “Tắc mà không có Xã không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc thì không thành hiệu gì hết, cho nên hiệp tế Xã Tắc vì công lợi ngang nhau”. Đất đai và lúa gạo là 2 yếu tố rất quan trọng trong đời sống nông nghiệp, và nó tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nước nhà. Chính vì ý nghĩa đó nên quan niệm Xã Tắc có nghĩa như là Quốc Gia. Nước ta là nước nông nghiệp vậy lập đàn tế Xã Tắc ở Kinh đô và trong cả nước có ý nghĩa rất quan trọng.
Lễ tế Xã Tắc thể hiện ước vọng của những cư dân nông nghiệp về thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống yên bình, no đủ. Yên bình và thịnh vượng là ước vọng muôn đời của con người. Ước vọng ấy vĩnh hằng tồn tại bất kể thời gian và không gian, khiến đời sống được sinh sôi, nảy nở. Đối với cư dân nông nghiệp, ước vọng này có thực hiện được hay không phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, thời tiết. Thời tiết mưa thuận gió hòa tất đem lại mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, lễ tế Xã Tắc được cử hành hàng năm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đem lại sự phồn vinh, an lành cho toàn dân tộc. Với ý nghĩa ấy, tế Xã Tắc không chỉ là lễ của triều đình mà là của toàn dân.
Từ năm 2018 đến nay, TP Móng Cái đã phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội Đền Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, thể hiện đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc.
Hàng năm, Lễ hội Đền Xã Tắc được tổ chức vào ngày 29/1-1/2 âm lịch. Lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô, có sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách.
Trong chương trình lễ hội sẽ diễn ra lễ và hội. Bao gồm: Lễ Cáo yết; Lễ Cấp thủy; Lễ Mộc dục; Lễ dâng hương; Lễ nghênh Thần (Rước Thần du xuân); Lễ tế Xã Tắc; Dâng lễ vật của các cơ quan, đơn vị, xã, phường và nhân dân trên địa bàn thành phố; Lễ cúng chúng sinh và Lễ xuất tịch.
Chương trình khai mạc và các hoạt động phần hội gồm: Giao lưu văn nghệ dân gian tối ngày 9/3; Chương trình khai mạc lễ hội từ 7h30 ngày 10/3; Các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống từ 13h30 ngày 10/3 (Kéo co, Đẩy gậy, Bóng chuyền hơi, giao lưu cờ tướng, giao lưu tiếng hót chim Chào Mào, giao lưu vẽ tranh, viết thư pháp…).