Thành phố Nam Định chủ động quản lý địa giới hành chính

Địa giới hành chính là cơ sở pháp lý để phân định phạm vi, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, thành phố Nam Định đã làm tốt công tác quản lý địa giới hành chính, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Địa giới hành chính là cơ sở pháp lý để phân định phạm vi, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, thành phố Nam Định đã làm tốt công tác quản lý địa giới hành chính, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội.

Thi bơi chải trên hồ Vị Xuyên (thành phố Nam Định).

Thi bơi chải trên hồ Vị Xuyên (thành phố Nam Định).

Là đô thị cổ, qua quá trình phát triển đô thị có sự sáp nhập, chia tách và thành lập mới một số phường, xã nên địa giới hành chính của thành phố Nam Định có nhiều phức tạp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính ở hầu hết các phường, xã trên địa bàn còn nhiều bất cập như: hồ sơ địa giới hành chính đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, lưu giữ không nguyên vẹn, chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền việc bảo vệ mốc địa giới hành chính chưa được thực hiện thường xuyên liên tục; ý thức của người dân còn hạn chế, tình trạng dân lấn chiếm đất khu vực mốc giới, mốc giới bị hư hỏng, bị mất vẫn tồn tại; việc quản lý chồng chéo giữa các đơn vị liền kề nhau; việc hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính chưa hoàn thiện… Qua kiểm tra thực tế tại 7 phường, xã trên địa bàn, UBND thành phố đã phát hiện địa giới hành chính giữa các đơn vị còn nhiều bất cập do ảnh hưởng đô thị hóa, giải phóng mặt bằng làm đường, di dân... và do phân định không rõ ràng về địa giới hành chính gây khó khăn cho công tác quản lý nhân, hộ khẩu, an ninh, trật tự, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu các loại thuế nhất là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thực hiện các chính sách xã hội, người có công, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc phát động các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động khác của địa phương. Tổ dân phố số 9 phường Trần Quang Khải có 34 hộ dân nhưng quản lý cả địa giới hành chính và quản lý một phần đất đai thuộc xã Tân Thành (Vụ Bản); giữa các đơn vị như: phường Trần Quang Khải với xã Lộc An tại ngõ 360 Nguyễn Bính; xã Lộc An và phường Văn Miếu tại khu tái định cư Đồng Quýt và Trầm Cá; ranh giới phường Mỹ Xá với Lộc Hòa nằm giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp (một doanh nghiệp nằm trên 2 phường); khu tập thể cầu đường phường Trường Thi quản lý nằm trọn vẹn trong địa giới phường Mỹ Xá… có sự chồng lấn ranh giới không xác định rõ phạm vi. Phường Thống Nhất có 101 hộ dân đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc phường Hạ Long và Lộc Hạ nhưng quản lý nhân khẩu do phường Thống Nhất. Tổ dân phố số 13 phường Hạ Long nằm trọn trên đất phường Lộc Hạ quản lý. Phường Trường Thi có 100 hộ dân có đất do phường Mỹ Xá và Lộc Hòa quản lý nhưng nhân khẩu do phường Trường Thi quản lý. Phường Lộc Hạ có một số hộ dân tuyến đường Đỗ Huy Liêu và khu đô thị mới Thống Nhất đất do Lộc Hạ quản lý nhưng nhân khẩu do Thống Nhất quản lý. Xóm 8 xã Nam Vân có 90 hộ gồm 222 nhân khẩu nằm trong đất do huyện Nam Trực quản lý… Bên cạnh đó các mốc giới địa giới hành chính của các phường, xã được giao quản lý có nhiều mốc giới bị mất, hư hỏng; việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính vẫn chưa thực hiện do các bất cập tồn tại về địa giới hành chính trên thực địa vẫn chưa được giải quyết.

Trước những bất cập này, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý địa giới hành chính bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và có ý thức bảo vệ mốc địa giới hành chính. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về địa giới hành chính, công tác quản lý hồ sơ cho độ ngũ cán bộ xã, phường và kịp thời bổ sung những danh mục hồ sơ còn thiếu theo quy định của Luật Đất đai. Rà soát, kiểm tra thực trạng các mốc địa giới hành chính do thành phố quản lý, có kế hoạch, biện pháp sửa chữa khôi phục lại những mốc giới bị hư hỏng và mất mát. Làm việc cụ thể với các phường, xã hiện có những khu vực bị xen kẹt, chồng chéo để thống nhất trước mắt tạm giao quản lý toàn diện cho một đơn vị. Đồng thời đề nghị với tổ công tác thực hiện Quyết định 513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hoàn thiện đề án và bàn giao hồ sơ về cho thành phố và các phường, xã.

Với việc chủ động triển khai các biện pháp, thành phố Nam Định đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về địa giới hành chính, nhất là tại các vùng giáp ranh trên địa bàn. Đến nay, theo hồ sơ địa giới hành chính thành phố Nam Định, thành phố và các phường, xã đang được giao quản lý 98 mốc giới, trong đó có 8 mốc cấp huyện, 90 mốc cấp xã. Cơ bản, UBND các phường, xã đều nắm rõ vị trí các mốc giới trên thực địa và hồ sơ địa giới hành chính do đơn vị mình quản lý. Đồng thời lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật gồm có: Bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới hành chính, bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, mô tả địa giới hành chính, biên bản xác nhận mô tả địa giới hành chính...; các hồ sơ địa giới hành chính được điều chỉnh bổ sung năm 2006 của các đơn vị có biến động (sáp nhập, chia tách…) cũng được lưu trữ đầy đủ theo quy định. Kết quả trên là căn cứ để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến địa giới hành chính, góp phần bảo đảm sự ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước tại địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202208/thanh-pho-nam-dinh-chu-dong-quan-ly-dia-gioi-hanh-chinh-2552767/