Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố có tên dài nhất Việt Nam hiện nay. Tên thành phố có đến 4 từ và 16 chữ cái. Trong lịch sử, vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm đã trải qua nhiều lần chia tách, tái lập, thay đổi địa danh và địa giới hành chính. Có những giai đoạn, Phan Rang và Tháp Chàm là những đơn vị hành chính riêng biệt. Địa danh ghép Phan Rang - Tháp Chàm chính thức ra đời từ năm 1948, do chính quyền cách mạng đặt. Ảnh: Tran An.
TP Phan Rang - Tháp Chàm hiện là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của Ninh Thuận. Ngược dòng lịch sử từ thời các chúa Nguyễn, vùng đất Phan Rang luôn giữ vai trò lỵ sở, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Ninh Thuận. Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ. Đến năm 2007, trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính của thị xã, Chính phủ quyết định thành lập TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Phạm Công Vĩnh Thắng.
Tháp Pô Klong Garai, còn gọi Tháp Chàm, là di tích kiến trúc, nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm còn tồn tại khá nguyên vẹn ở Ninh Thuận. Công trình được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, thờ vua Pô Klong Garai, người được đồng bào Chăm tôn kính, nhớ ơn vì đã có công giúp dân làm thủy lợi. Hiện tháp Pô Klong Garai là điểm du lịch thu hút nhiều du khách check-in khi đến thành phố này.
Tháp Pô Klong Garai tọa lạc trên ngọn đồi Trầu cao gần 70 m, thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Có ý kiến lý giải rằng theo truyền thuyết, vua Pô Klong Garai thời trẻ đi buôn trầu từng nghỉ chân tại ngọn đồi này, nên người ta gọi nơi đây là đồi Trầu. Đứng tại tháp Pô Klong Garai trên đồi Trầu, du khách có thể quan sát toàn cảnh thành phố với tầm nhìn tuyệt đẹp, nhất là thời điểm hoàng hôn buông xuống. Ảnh: Hòa Thiện.
Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm) cùng tháp Hòa Lai (huyện Thuận Bắc) ở Ninh Thuận là di tích quốc gia đặc biệt. Những di tích này thể hiện nhiều giá trị kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu, đặc sắc, góp phần minh chứng phong cách nghệ thuật đa dạng, rực rỡ của vương quốc Champa xưa.
Katê là lễ hội truyền thống của người Chăm theo đạo Bàlamôn, diễn ra đầu tháng 7 hàng năm theo lịch Chăm (khoảng tháng 9-10 dương lịch). Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị thần linh, tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xóm làng bình yên. Các hoạt động đặc sắc của lễ hội Katê tại tháp Pô Klong Garai luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương và du khách. Ảnh: Pham Song Binh.
Năm 2017, lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng năm, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, Ninh Thuận cũng được đưa vào danh mục này. Tìm hiểu những nét văn hóa Chăm độc đáo là trải nghiệm thú vị, du khách không nên bỏ lỡ khi đến vùng đất Ninh Thuận nắng gió.
Du khách thích thú với vườn nho trĩu quả ở vùng đất khô hạn Ninh Thuận Giữa ngày hè nắng nóng, đến vùng đất Ninh Thuận, nhiều du khách có dịp trải nghiệm thú vị với vườn nho trĩu quả giữa vùng đất khô hạn.
Theo Song Phúc/ Zing