Thành phố nào cũng có một George Floyd

Những người xuống đường trong các cuộc biểu tình vài ngày qua xuất thân khác biệt về địa lý, màu da, nhưng có chung sự tức giận trước hiện thực thời điểm hiện tại.

Tuần qua, nhiều thành phố khắp nước Mỹ đã trở thành khán đài nơi sự bất mãn lên tiếng. Người biểu tình tàn phá các khu dân cư tại Minneapolis, đập phá hàng rào chướng ngại vật bên ngoài Nhà Trắng ở Washington, hay xông vào các cửa hiệu tại Beverly Hills ở Los Angeles.

Những người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình khác nhau về hoàn cảnh địa lý, tuổi tác, màu da, nhưng có chung sự tức giận trước hành động của cảnh sát dẫn tới cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd, hay rộng hơn là tình trạng bạo lực được miêu tả là "tàn bạo" đối với người da màu.

 Don Hubbard từ Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: New York Times.

Don Hubbard từ Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: New York Times.

Có thể vào một thời điểm khác, vào một năm khác, cái chết của ông Floyd sẽ kết thúc một cách êm thấm, với một vài cuộc biểu tình quy mô nhỏ ở địa phương, và những lời hứa cải tổ.

Nhưng nước Mỹ ở thời điểm hiện tại không chấp nhận cách phản ứng thông thường trước cái chết của Floyd, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 100.000 người, trong đó có nhiều người da màu. Ở thời điểm nền kinh tế lao dốc, tình trạng thất nghiệp đang dâng cao ở mức kỷ lục, người Mỹ gốc Phi chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

"Nhiều người đã quá mệt mỏi vì bị tấn công, hay thậm chí sát hại, bởi cảnh sát, đặc biệt là người da đen. Câu chuyện ấy diễn ra khắp cả nước, và đây là những gì chúng ta có, tình trạng vô chính phủ", Don Hubbard, một người da màu 44 tuổi, nói.

New York Times ghi lại câu chuyện của những người Mỹ đang xuống đường.

Don Hubbard từ Minneapolis, Minnesota

Hubbard, người đàn ông 44 tuổi, cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài tới Cup Foods, cửa hàng tiện dụng nơi một nhân viên phát hiện George Floyd, người Mỹ da đen bị cảnh sát ghì chết, đã tìm cách sử dụng một từ tiền 20 USD giả để mua hàng. Nhân viên này sau đó đã gọi điện báo cảnh sát.

Là một người sinh ra ở Minneapolis, Hubband cho biết 90% những cuộc tương tác của ông với cảnh sát có màu sắc tiêu cực, dù bản thân ông đã có nhiều năm là viên của chính quyền địa phương.

Khoảng 10 năm trước, cảnh sát từng chặn Hubband khi ông rời khỏi một cửa hàng, cho biết ông "phù hợp với mô tả" về một người đàn ông liên quan tới một vụ xung đột trong gia đình.

"Tôi phù hợp với mô tả bởi tôi là người da đen", Hubband nói.

Hubband nhớ lại đồng nghiệp của ông khi đó ngồi trên xe ôtô đã ngoảnh mặt đi hướng khác thay vì lên tiếng bảo vệ ông.

Hubband hiện đang làm việc cho chính quyền cấp quận ở Minneapolis. Người đàn ông cho biết mình là người da đen duy nhất trong đơn vị có 90 nhân viên. Hubband giờ đã sở hữu xe sang BMW, có nhà riêng với bể bơi tại vùng ngoại ô Công viên Brooklyn. Thế nhưng, người đàn ông nói vẫn có cảm giác cảnh sát đánh giá ông qua màu da, và lo ngại cho con trai và con gái mình.

"Tôi tham gia biểu tình vào một ngày như hôm nay là bởi tôi cảm thấy nếu mình không bước lên, nếu chúng ta không ra mặt, thì chúng ta đang làm gì vậy? Chúng ta sẽ để người đàn ông này (Floyd) chết vô ích", Hubband nói.

Tại trường trung học Hollywood ở Los Angeles, Beatriz Lopez là một trong hai học sinh tham gia nhóm nhảy hip-hop không phải người da màu.

"Mỗi năm, sẽ có một buổi đại hội dành cho học sinh Mỹ gốc Phi, do hội học sinh da màu tổ chức. Sự kiện ấy rất xúc động. Họ đọc thơ nói về sự tàn bạo của cảnh sát, chiếu những hình ảnh tưởng nhớ về người thiệt mạng trong vụ việc liên quan tới cảnh sát. Tôi đồng cảm với những điều ấy", Lopez nói.

Là con gái trong gia đình nhập cư Mexico, Lopez không lạ với cách người da màu bị cảnh sát đối xử, bởi cô lớn lên trong cảnh thường xuyên sợ hãi khi nhân viên công quyền làm việc với cha mẹ cô.

"Chúng tôi luôn có điều gì đó phải sợ hãi bởi cha mẹ tôi không có giấy tờ hợp pháp. Mỗi lần tôi nhìn thấy cảnh sát, ngay cả bây giờ, tôi luôn cảm thấy lo lắng. Tôi cảm thấy như thể họ luôn chiếm thế thượng phong. Với đồng phục và phù hiệu, họ kiểm soát tất cả người xung quanh. Điều đó khiến tôi bực mình", Lopez nói.

"Khi bạn tôi gửi tờ rơi về cuộc biểu tình, tôi cảm thấy mình cần tham gia. Tôi đã hỏi là mình có thể làm gì", Lopez cho biết.

 Beatriz Lopez từ Los Angeles, California. Ảnh: New York Times.

Beatriz Lopez từ Los Angeles, California. Ảnh: New York Times.

Lopez cùng ba người bạn đã diễu hành dọc các con phố ở Los Angeles, trong cuộc biểu tình có hàng nghìn người tham dự, họ hô vang tên của George Floyd và khẩu hiệu đòi hỏi công lý. Khi tới giao lộ giữa Đường số 3 và Đường La Cienega, tất cả cùng quỳ xuống lòng đường.

"Chúng tôi cảm nhận lòng đường khô ráp và nóng bỏng, ông ấy (Floyd) hẳn cũng cảm thấy như vậy", Lopez nói.

Candice Elder từ Oakland, California

Candice Elder điều hành một tổ chức bảo vệ người vô gia cư trong đại dịch Covid-19 ở Oakland. Hôm 31/5, tổ chức của Elder đã chuyển sang bảo vệ những người biểu tình trong đụng độ với cảnh sát. Elder cũng cấp kính bảo hộ, mặt nạ, dụng cụ sơ cứu và sữa magnesia pha loãng với nước có tác dụng làm dịu hơi cay.

Elder nói cô nhìn nhận cái chết của Floyd là một trong nhiều trường hợp nạn nhân của phân biệt chủng tộc mà cô đã gặp trong công việc của mình. Tại thành phố Oakland, khoảng 25% dân số là người da màu, thế nhưng người Mỹ da đen chiếm tới 70% số người vô gia cư tại thành phố này.

Elder cho biết đã đối mặt với một trường hợp phân biệt chủng tộc gây sốc diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Hai tình nguyện viện, đều là người da màu, đã bị cảnh sát chặn xe khi đang trên đường tới gặp Elder. Hai người này bị lôi ra khỏi xe ngay tại bãi đỗ xe nơi tổ chức của Elder đặt trụ sở.

Một trong hai tình nguyện viên cũng bị ghì xuống mặt đường, giống như điều đã xảy ra trong vụ việc của Floyd. Người này sau đó bị bắt và tạm giam tại sở cảnh sát, tuy nhiên được trả tự do sau đó. Cảnh sát Oakland sau đó xin lỗi và cho biết vụ bắt giữ là trường hợp xác định danh tính nhầm lẫn, Elder cho biết.

 Hơn 12.000 người dân tại Newark đã xuống đường biểu tình hôm 30/5. Ảnh: Reuters.

Hơn 12.000 người dân tại Newark đã xuống đường biểu tình hôm 30/5. Ảnh: Reuters.

Beth Muffett từ Austin, Texas

Beth Muffett là một phụ nữ nội trợ và chuyên gia trị liệu tại nhà. Muffett tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Austin, bang Texas, nơi cô bị sĩ quan cảnh sát dùng xe đạp đẩy lùi về phía sau nhằm ngăn cản đám đông biểu tình.

"Tôi nghĩ có sự thay đổi thực sự đối với các bà mẹ, những người muốn giáo dục con trẻ vượt qua vấn đề chủng tộc. Điều đó đã khiến nhiều bà mẹ trên Facebook, giống như tôi có suy nghĩ sự im lặng của những người da trắng là tội lỗi", Muffett nói.

"Nếu không đứng lên vì George Floyd, ai sẽ đứng lên vì chúng ta sau này. Đây là mức độ sai trái mới, tôi không thể nói không với việc ra đường và làm gì đó", Muffett cho biết.

Người phụ nữ 36 tuổi cho biết cô hầu như luôn hòa hợp với lực lượng thực thi pháp luật, cho tới khi tham gia cuộc biểu tình hôm 31/5.

Sau khi rời khỏi đám đông biểu tình, Muffett nhận ra cô có những vết bầm tín ở bụng và đầu gối, nơi sĩ quan cảnh sát đã dùng xe đạp để đẩy cô và đám đông lùi về phía sau. Một vài vết bầm nữa xuất hiện trên tay của Muffett khi cô ngã vào những người biểu tình khác.

"Đây là lần đầu tiên tôi trải qua điều như thế này. Có rất nhiều phụ nữ da trắng có đặc quyền, và tôi là một trong số đó. Cảnh sát chưa từng đối xử với tôi như vậy", Muffett nói.

Người Việt ở Mỹ: 'Khi nhìn người biểu tình, tôi thấy bạn bè của mình' Nguyễn Phương Anh, hoạt động hỗ trợ người nhập cư tại Philadelphia, bang Pennsylvania, chia sẻ về những gì đã diễn ra trong các cuộc biểu tình tại Mỹ ở tiểu bang này.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-dung-nguoi-bieu-tinh-thanh-pho-nao-cung-co-mot-george-floyd-post1091424.html