Thành phố ngàn năm sáng tạo

Việc Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố sáng tạo không chỉ là ghi nhận truyền thống sáng tạo của thành phố ngàn năm tuổi, mà còn là động lực để đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước và khu vực, tạo bước tiến mới, nâng tầm vị thế Thủ đô.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn

1. Trong các quốc gia Đông Nam Á, Hà Nội là thành phố đầu tiên được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Vì là Thủ đô của Việt Nam nên cũng có thể xem Hà Nội là Thủ đô sáng tạo đầu tiên của khu vực.

Dấu ấn đầu tiên minh chứng cho sáng tạo của tổ tiên người Việt là chuyển dịch kinh đô Văn Lang ở vùng đồi núi trung du (Phú Thọ) về vùng đất Cổ Loa ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng màu mỡ, khai phá vùng đất hoang sơ thành nơi trù phú, dân cư đông đúc.

Cấu trúc thành Cổ Loa là sự sáng tạo độc đáo của tổ tiên người Việt trong xây dựng thành lũy. Theo sử sách, thành được xây như hình trôn ốc có 9 lớp (nên còn gọi là Loa thành) trên khu đất cao ở tả ngạn Hoàng Giang. Di tích còn lại đến ngày nay không kể các ụ công sự còn 3 vòng thành đắp đất, chân thành một số nơi được kè đá. Phía ngoài mỗi lũy thành đều có hào sâu và rộng nối với Hoàng Giang thành mạng lưới giao thông thủy thống nhất. Cấu trúc thành cổ được bố cục hợp lý từ nơi ở của vua, hoàng tộc với các điểm dân cư và cảnh quan thiên nhiên (rừng, hồ nước) đảm bảo cho cuộc sống và an ninh quốc phòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy thành Cổ Loa hình thành từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, là minh chứng của nền văn minh, của tài năng, trí tuệ và sức mạnh của tổ tiên ta.

Vào thế kỷ X, Ngô Quyền đã định đô tại Cổ Loa và làm phong phú thêm cho nơi này xứng tầm di tích lịch sử quốc gia, để các thế hệ người Việt và bạn bè nước ngoài chiêm ngưỡng, kính phục.

2. Sau khi lên ngôi hoàng đế, năm 1010 Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đặt tên là Thăng Long với tầm nhìn sáng suốt: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa... Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Trong ngàn năm lịch sử, các vương triều đã không ngừng sáng tạo, tạo lập kinh đô nước Việt ngày càng phát triển, để lại quỹ di sản đô thị phong phú cho ngày nay mà không phải thủ đô nước nào cũng có được. Cấu trúc đô thị, cảnh quan, làng nghề, phố nghề và hệ thống công trình kiến trúc có bản sắc. Nổi trội là hệ thống đình, chùa, đền được bảo tồn, lưu truyền đến ngày nay với cấu trúc, hình thức kiến trúc mang bản sắc riêng, thể hiện văn hóa tâm linh của người Việt.

Từ danh mục các công trình đã được xếp hạng cho thấy đây là quỹ di sản phong phú, minh chứng cho truyền thống văn hóa, sáng tạo của các thế hệ cư dân Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, đặc biệt phải kể đến khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2010 được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu, hiện là điểm đến an toàn, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, sáng tạo của Thủ đô. Tiếp đó là khu phố cổ Hà Nội - Di tích lịch sử quốc gia, là ví dụ điển hình cho sự phát triển, chuyển hóa từ mô hình “thị - phường” của đô thị cổ thời phong kiến sang chức năng đô thị phát triển kết cấu hạ tầng gắn với dịch vụ thương mại, không gian kiến trúc tổng hòa nhiều phong cách truyền thống Việt Nam, Trung Hoa, châu Âu... nhưng có sự thống nhất về nhịp điệu, khối công trình và chức năng sử dụng, đặc biệt không gian nhà ở có sự sáng tạo phù hợp điều kiện khí hậu. Đáng kể là khu phố cổ có quỹ di sản vật thể phong phú, đa dạng và hệ thống di sản phi vật thể hấp dẫn gồm các lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống phản ánh quá trình phát triển Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội. Ngoài ra, khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, làng cổ Đường Lâm và gần 1.350 làng nghề và nghề truyền thống cũng chính là minh chứng thuyết phục cho truyền thống sáng tạo của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Thời Pháp thuộc, Hà Nội có sự biến đổi về cấu trúc đô thị, về diện mạo đô thị, thể hiện yếu tố hội nhập, tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây kết hợp với truyền thống phương Đông tạo nên một đô thị có bản sắc riêng từ quy hoạch tổng thể đến khu vực (khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm...) và các công trình kiến trúc (Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia...).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và nhất là từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có Quy hoạch chung được phê duyệt, để lại dấu ấn đậm nét về sự sáng tạo. Nói về sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc giai đoạn này, không thể không kể đến các công trình kiến trúc đặc biệt như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội..., các công trình kiến trúc xanh, không gian xanh công cộng, các khu đô thị mới... đã thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam.

3. Trong quá trình phát triển Thủ đô, các cây cầu kết nối đôi bờ sông Hồng được xem là dấu ấn sáng tạo rõ ràng. Đầu tiên là cầu Long Biên do người Pháp xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1902, như rồng uốn khúc vươn mình nối hai bên bờ sông. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương vào thời điểm đó. Cầu Long Biên cũng là nơi chứng kiến khí phách hào hùng của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Trong chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên là mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ song nơi đây đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Thủ đô. Năm 1973, cầu được “hồi sinh”, trở thành biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội kiên cường, sáng tạo.

Năm 1974, cầu Thăng Long được xây dựng, hoàn thành năm 1985, được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, đồng thời minh chứng cho sự linh hoạt, sáng tạo của người Việt Nam. Năm 1982, bằng sức mạnh nội lực, chúng ta chủ động xây dựng cầu Chương Dương để kết nối nội đô với ngoại thành phía Bắc sông Hồng, kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển vùng Đông Bắc...

Năm 2002, cầu Thanh Trì được khởi công, áp dụng công nghệ hiện đại với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi khánh thành vào đầu năm 2007, cầu Thanh Trì trở thành biểu tượng cho sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Thủ đô. Khi nhu cầu giao thông ngày càng cao, tháng 2-2005 chúng ta đã chủ động xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Đặc biệt, năm 2015, cầu Nhật Tân được thông xe, trở thành biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô và 5 cánh hoa đào. Tới đây Hà Nội sẽ xuất hiện thêm cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2..., chắc chắn đó sẽ là những biểu tượng sáng tạo mới trong tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Những dấu ấn sáng tạo trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị đã góp phần tô điểm truyền thống sáng tạo của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hy vọng rằng, với truyền thống Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình và sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Hà Nội sẽ trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và luôn là một điểm đến thanh bình đối với người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/990782/thanh-pho-ngan-nam-sang-tao