Thành phố nghĩa tình
Năm nào cũng thế, chị mua một con heo đất và ghi trên đó dòng chữ 'Cho đi yêu thương'. Hàng ngày dù có nhiều hay ít, chị cũng cho heo 'ăn uống' đầy đủ. Cuối năm, chị đập heo, khi thì góp vào các chương trình từ thiện, khi thì ủng hộ cho ai đó trong cơn ngặt nghèo, hoạn nạn, hoặc tặng người khó trong các khu xóm lao động nghèo…
1. “Cháo thịt bằm đây bà, ngon lắm”, “Ráng ăn cho mau khỏe đi chị”… Mới 6 giờ sáng, sân trước cổng Bệnh viện TP Thủ Đức rộn tiếng mời chào người bệnh, thân nhân bệnh nhân nặng nhận cháo tại “Nồi cháo yêu thương”, do các nhân viên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đảm trách.
Chỉ 30 phút, nồi cháo thứ nhất đã hết sạch, Thùy Linh khệ nệ bưng đặt nồi cháo thứ 2 lên giá đỡ, nói: Nồi này hơn 100 phần. Hai nồi cháo lớn này nấu hết 10kg gạo, rồi thịt, xương thêm vào nữa, ngọt lắm. “Cô cho tôi 2 phần nghen. Bé nhà tôi bị sốt xuất huyết nay là 4 ngày rồi. Cháo thịt dễ ăn nên bé đã khỏe nhiều”, bà Hoàng Liên, ngụ phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), nói. Chị Ngọc Anh tiết lộ: Bà là “khách hàng” thân thiết nhiều năm nay của nồi cháo này, vì nuôi người nhà nằm dài ngày tại bệnh viện.
Tầm 7 giờ sáng, 2 nồi cháo hết sạch. Chị Ngọc Anh nhẩm tính: Được 191 phần. Ai đến sau có cơm và bún do các nhóm từ thiện khác phát. Cùng với “Nồi cháo yêu thương” của Phòng Công tác xã hội Bệnh viện TP Thủ Đức, còn có nhiều nhóm từ thiện, tổ chức trên địa bàn tham gia chăm lo bữa ăn miễn phí hàng ngày cho người bệnh và thân nhân bệnh nhân nặng điều trị dài ngày tại bệnh viện, như: Nồi cháo nghĩa tình của Công an phường Tam Bình (TP Thủ Đức), Hoa Sa La của cô Hòa chợ Thủ Đức, Tịnh thất Thanh Minh... Những bữa cơm, phần cháo yêu thương đó như liều thuốc tinh thần giúp người bệnh và thân nhân người bệnh thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, bệnh tật.
2. “Nhà em hôm nay có gạo, mì, nước tương, dầu ăn, cả quần áo mới, cặp học sinh nữa nha bà con mình”. “Mời bà qua đây nhận quà nè. Bà cần gì nữa không nói con nghe. Gạo ngon lắm nghe dì Tư ơi. Anh ra dẫn bà vào nhận quà đi kìa…”. Tiếng cười nói, tiếng mời chào vang cả góc sân. “Vậy là đủ gạo ăn từ nay đến tết rồi đó”, bà Tư vui vẻ nói. “Nhận quà hôm nay vui không bà?”, chúng tôi hỏi. “Vui chứ. Tui năm nay là 3 lần được nhận quà từ nhà cô Lan Anh đó”, bà Tư hồ hởi nói. Bà Nguyễn Thị Mùi, 83 tuổi, nhà ở khu trọ xóm trên, đứng cạnh bà Tư, nói thêm: Đây cũng đủ hết nè, gạo, mì, rồi đường, mắm, bột nêm nữa. Nhà có 5-6 miệng ăn, nhiêu đây quý lắm…
Điểm phát quà từ thiện tại nhà chị Lê Lan Anh nằm trong con hẻm nhỏ 539 Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh (quận Tân Phú), cứ vào dịp cuối năm, lễ Vu lan hay các ngày rằm lớn là tấp nập người đến nhận, đa phần là những hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền, người già không nơi nương tựa. Vào đầu năm học vừa qua, thấy trên một tài khoản facebook có hơn 200 học sinh, đa phần là đồng bào thiểu số tại Trường Mầm non Bằng Lăng, xã Dun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đến trường trong bộ quần áo cũ rách, chị Lan Anh tìm đến xin được may tặng mỗi bé 2 bộ đồng phục mặc thay đổi. Gần 1 tháng sau, hơn 400 bộ quần áo mới được trao đến tận tay các bé trong niềm vui của đồng bào dân tộc khó khăn.
Những câu chuyện nhỏ ở Sài Gòn - TPHCM cho thấy, mỗi người đều có cách riêng của mình vun bồi cho giá trị của cuộc sống nghĩa tình, sẻ chia…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thanh-pho-nghia-tinh-post675920.html