Thành phố sáng tạo - từ nhận thức tới hành động

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 đang diễn ra từ ngày 11 đến 18/11 với gần 50 sự kiện, triển lãm, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tọa đàm, hội thảo chuyên đề đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, nhóm sáng tạo, diễn giả và nhân dân Thủ đô.

Thiết kế sáng tạo từ chất liệu mây tre trưng bày bên hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Giang Nam)

Thiết kế sáng tạo từ chất liệu mây tre trưng bày bên hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Giang Nam)

Chuỗi hoạt động trải nghiệm tại lễ hội đã mang đến sự mới mẻ, trẻ trung, năng động, đồng thời khẳng định nguồn lực sáng tạo dồi dào của các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ ở các lĩnh vực. Đây là sự kiện nằm trong những cam kết của Hà Nội khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, thu hút sự tham gia từ các trường đại học, các đại sứ quán, cơ quan, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.

Lễ hội đã cho thấy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, nhất là với giới trẻ và cả những khó khăn, trở ngại của Hà Nội trên hành trình nâng tầm vị thế để trở thành một thành phố sáng tạo.

Cách đây ba năm, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với danh hiệu thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.

Với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, Hà Nội - thành phố vì hòa bình đang nâng tầm vị thế, từng bước tạo dựng hình ảnh, định vị một thương hiệu mới là thành phố sáng tạo của UNESCO. Một số cuộc thi về mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế thời trang, hội thảo, tọa đàm đã tạo ra những diễn đàn trao đổi sôi nổi, góp phần nâng cao nhận thức về thành phố sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội cho giới trẻ được thể hiện.

Mặc dù thành phố đã ghi tên trong mạng lưới của UNESCO, nhưng việc phát động và triển khai các hoạt động tương ứng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong ba năm qua.

Tuy nhiên, những hoạt động như vậy chưa phải là nhiều bởi còn không ít khó khăn, thách thức trên hành trình khẳng định vị thế của một thành phố sáng tạo. Mặc dù thành phố đã ghi tên trong mạng lưới của UNESCO, nhưng việc phát động và triển khai các hoạt động tương ứng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong ba năm qua. Sự xuất hiện rời rạc, lẻ tẻ của một vài không gian công cộng, không gian sáng tạo nhỏ lẻ mở ra rồi đóng lại cùng đôi ba sự kiện hưởng ứng không để lại nhiều ấn tượng và sức ảnh hưởng xứng tầm với danh hiệu. Các hoạt động và sự kiện nếu có cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu thụ hưởng, giao lưu văn hóa của người dân Thủ đô, chưa tạo thành một động lực thúc đẩy mạnh mẽ. Nhận thức về danh hiệu thành phố sáng tạo cũng khá mơ hồ, thiếu rõ ràng, chưa đủ sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong giới làm nghề liên quan đến thiết kế, sáng tạo nghệ thuật.

Có thể thấy, từ danh hiệu đến hành động và thành quả là cả một quãng đường dài nếu người dân chưa hiểu biết rõ và chủ động tham gia để trở thành một công dân sáng tạo trong đô thị.

Với sự hỗ trợ của văn phòng UNESCO Việt Nam, đã đến lúc chính quyền thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về danh hiệu thành phố sáng tạo, tập trung tổ chức các hoạt động cộng đồng với trọng tâm hướng vào giới trẻ, giúp họ có được những góc nhìn khác nhau về thành phố, bộc lộ sức sáng tạo cũng như tiềm năng dồi dào của mình, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Điều này có thể thấy qua các nhóm, hội hình thành qua mạng xã hội gần đây như: Vì một Hà Nội đáng sống, Mạng lưới sáng kiến không gian sáng tạo Việt Nam, Think Playground xây dựng các sân chơi, không gian công cộng trong khu dân cư...

Bên cạnh đó, việc tận dụng và chuyển đổi các không gian xưởng sản xuất trong nội đô thành những điểm đến sáng tạo văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí của giới trẻ cũng cho thấy nhu cầu về các sân chơi sáng tạo. Chuyển đổi công năng các không gian này bổ sung cho thành phố các không gian công cộng, các trung tâm thiết kế nghệ thuật vì cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là nơi ươm mầm tài năng, nuôi nguồn sáng tạo để xây dựng nên những giá trị văn hóa mới, mang lại đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân thành phố và ấn tượng sâu đậm với khách du lịch trong nước, quốc tế khi đến Hà Nội.

Cùng những chuyển động tích cực về chính sách, trong đó có việc thành phố đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hy vọng Hà Nội sẽ có những khởi sắc, đón nhận nhiều tín hiệu vui để trở thành một thành phố sáng tạo, một trung tâm công nghiệp văn hóa phát triển của nước ta và khu vực.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-sang-tao-tu-nhan-thuc-toi-hanh-dong-post724635.html