Thành phố Sơn La phải siết chặt trật tự xây dựng, mới giải quyết được ngập lụt

Sau trận ngập lịch sử trên diện rộng làm thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, thành phố Sơn La đã gấp rút triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục, xử lý ngập úng trên địa bàn.

Qua kiểm tra, rà soát, chỉ trong vài ngày, lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý nhiều trường hợp lấn chiếm công trình thoát lũ, một trong những nguyên nhân chính gây ngập lụt nặng ở địa phương. Động thái này nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân, song dư luận cũng cho rằng, nếu như Thành phố Sơn La quản lý trật tự xây dựng chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát lũ thì câu chuyện ngập lụt mỗi mùa mưa lũ đã được giải quyết từ lâu.

Sau đợt ngập lụt nặng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, TP Sơn La đã rà soát, xác định nhiều công trình lấn chiếm hệ thống kênh, mương thoát nước

Sau đợt ngập lụt nặng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, TP Sơn La đã rà soát, xác định nhiều công trình lấn chiếm hệ thống kênh, mương thoát nước

Hơn mười ngày sau trận lũ lớn đổ về khiến tuyến phố Chu Văn Thịnh, thuộc tổ 1, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La biến thành sông, nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5m, nhiều hộ kinh doanh dọc 2 bên đường vẫn chật vật thanh lý số hàng hóa bị ngập nước, hư hỏng. Nhà ít thì thiệt hại 200-300 triệu đồng, nhà nhiều tới hơn 1 tỷ đồng. Vất vả gây dựng bao năm, giờ nhiều hộ kinh doanh lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Chị Nguyễn Thị Huệ, chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo trẻ em ở tuyến phố này cho biết, sau trận lũ 2 ngày, phường và thành phố đã xuống nắm bắt tình hình và tổ chức tháo dỡ 3 ngôi nhà được xây trên mặt cống thoát nước, bởi đây được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng chảy tắc nghẽn, gây ngập lụt diện rộng cho khu vực này.

"Tôi bán hàng ở đây từ năm 2004 đã thấy có nhà trên cống kia rồi, còn họ xây từ bao giờ thì không rõ. Cũng kiến nghị nhiều lần rồi mà không triệt để; đáng lẽ nhà nước phải triệt để hơn, ra quân gay gắt hơn, bằng mọi cách cưỡng chế tháo dỡ thì chúng tôi sẽ đỡ thiệt hại"- chị Huệ nói.

Theo bà Phạm Thị Liên, Chủ tịch UBND phường Tô Hiệu, TP Sơn La, phường có 10 tổ bản thì 3 tổ bị ảnh hưởng lớn trong đợt mưa sau hoàn lưu bão số 2 vừa qua. May mắn không có thiệt hại về người, nhưng tình trạng ngập úng đã gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Thống kê riêng tại tổ 1 đã có 85 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế hơn 6 tỷ đồng.

Thời gian qua, phường cũng nắm được việc trên địa bàn có một số công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng chảy, nhưng do yếu tố “lịch sử để lại”, nên việc xử lý chưa được kịp thời:

"Trước đây cũng có thông tin là có một số lần cách đây khoảng chục năm, cũng liên quan đến mưa lũ lớn trên địa bàn thì cũng có việc kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên ở bối cảnh và thời điểm đó thì việc xử lý cũng có những cái còn chưa kịp thời, nên công trình đấy vẫn còn hiện hữu đến tận bây giờ. Bây giờ thì qua sự chỉ đạo kiên quyết và quyết liệt của tỉnh, của thành phố và sự vào cuộc của phường, cùng sự đồng thuận của nhân dân thì trong 3 ngày 27,28 và 29 tháng 7 vừa qua, phường đã kiên quyết tháo dỡ xong cả ba công trình vi phạm trên hệ thống thoát lũ trên địa bàn"- bà Liên nói.

Một công trình nhà ở thuộc tổ 1, phường Tô Hiệu, TP Sơn La bị tháo dỡ

Một công trình nhà ở thuộc tổ 1, phường Tô Hiệu, TP Sơn La bị tháo dỡ

Đề cập trách nhiệm trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Sơn La, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết, quy định số 38 năm 2021 của UBND tỉnh Sơn La đã phân cấp rõ ràng là thuộc sự quản lý của UBND cấp cơ sở, cụ thể là cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường. Thời gian qua, việc quản lý trật tự xây dựng tại các địa bàn khá khó khăn; tình trạng xây dựng trái phép, xây dựng các công trình lấn chiếm dòng chảy vẫn diễn ra, một phần là do đội ngũ cán bộ đảm nhiệm việc quản lý trật tự đô thị còn mỏng.

"Các phòng quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng tối đa chỉ có 9 người; UBND các xã, phường thì chỉ có 1 cán bộ giao thông – xây dựng – địa chính, nên việc quản lý trật tự xây dựng rất khó khăn. Về phía Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về các nội dung quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn hàng năm cũng có những cuộc kiểm tra đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng, trong đó có trật tự xây dựng. Qua việc kiểm tra cũng thấy một số nội dung còn chưa tốt, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng ven đô thị, hoặc các vùng bị che khuất, do lực lượng còn hạn chế nên việc kiểm soát, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều khó khăn"- ông Phúc nói.

Chỉ trong 3 ngày ra quân kiên quyết xử lý công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ vào cuối tháng 7 vừa qua, thành phố Sơn La đã vận động, tổ chức tháo dỡ 31 công trình các loại.

Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân trên địa bàn TP đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, gây hạn chế dòng chảy, khiến ngập lụt xảy ra khi mưa lớn

Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân trên địa bàn TP đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, gây hạn chế dòng chảy, khiến ngập lụt xảy ra khi mưa lớn

Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Việt Quân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Sơn La cho rằng, thời gian qua, do nhu cầu của đời sống, việc xây dựng các công trình nhà ở, san lấp mặt bằng, trồng cây cối hoa màu… dù được lực lượng chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, xong không triệt để được, khiến hệ thống thoát lũ của TP bị thu hẹp, gây ngập lụt khi mưa lớn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do hệ thống dữ liệu nền để quản lý, phục vụ công tác xây dựng còn hạn chế, gây khó khăn cho việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

"Những năm gần đây công nghệ về mặt bản đồ và số hóa mới từng bước được cụ thể; còn ngày xưa cũng có bản đồ, nhưng giữa bản đồ với thực tiễn nó còn sai khác. Trong khi người dân khi xây nhà thường có tâm lý chỗ nào hở ra được, có nhu cầu là lại muốn cơi nới ra một tý, thế nên vấn đề về quản lý trật tự xây dựng từ những thời điểm trước đến giờ khá khó khăn- ông Quân nói.

Tuy nhiên, ông Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có thời điểm chưa thật quyết liệt, khiến việc quản lý trật tự xây dựng chưa đi vào nền nếp, dẫn đến tình trạng các công trình xây dựng trên hệ thống mương, hoặc cống thoát nước vẫn hiện hữu, làm hạn chế dòng chảy và việc ngập lụt xảy ra khi mưa lớn là điều khó tránh khỏi.

"Vì dữ liệu không đầy đủ, nên cán bộ mình khi cấp phép xây dựng có thể chủ quan. Mặc dù người ta vẫn xây dựng trong khuôn đất của người ta, nhưng việc người ta rào như thế thì đã đúng phạm vi chưa; hay người ta có lấn ra sông, ra suối? Thứ hai là có thể có cả chuyện nể nang nữa, vì ở xã, phường hay ở bản thì gần như quen biết nhau cả, nên cũng có thể có cả việc đó nữa"- ông Quân nói.

Trả lại cống dẫn nước từ đường Chu Văn Thịnh xuống suối Nậm La

Trả lại cống dẫn nước từ đường Chu Văn Thịnh xuống suối Nậm La

Được biết, những năm qua, thành phố Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn siết chặt việc quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Gần đây là Chỉ thị số 13, ngày 25/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Sơn La về việc tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và mới đây nhất là công văn số 955, ngày 3/4/2024 và công văn số 2251, ngày 25/7/2024 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban thường vụ Thành ủy và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đô thị, hành lang an toàn đường bộ tại các xã, phường…

Chỉ đạo thì đã rõ, nhưng trách nhiệm vào cuộc thực hiện của các phòng, ban chức năng, các xã, phường ra sao cũng cần được thành phố Sơn La kiểm tra, làm rõ và thời gian tới phải siết chặt hơn nữa thì công tác phòng chống thiên tai tại địa phương mới thực sự hiệu quả.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thanh-pho-son-la-phai-siet-chat-trat-tu-xay-dung-moi-giai-quyet-duoc-ngap-lut-post1112931.vov