Thành phố Sydney của Australia ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu
Hội đồng thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia sẽ gia nhập hàng trăm chính quyền địa phương khác nhau trên toàn thế giới, ban hành Tuyên bố 'Tình trạng khẩn cấp về khí hậu.'
Hội đồng thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia sẽ gia nhập hàng trăm chính quyền địa phương khác nhau trên toàn thế giới, ban hành Tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Thị trưởng thành phố Sydney Clover Moore cho biết Sydney dự kiến sẽ đưa ra các cam kết đầy tham vọng, hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính, cũng như lên tiếng về đòi hỏi hành động chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, dự kiến tuyên bố không bao gồm bất kỳ hành động cụ thể nào.
Bà Moore khẳng định thành phố đông dân nhất Australia đã luôn đặt bền vững là ưu tiên hàng đầu trong hơn một thập kỷ qua. Hội đồng thành phố đã chủ trương hợp tác với chủ sở hữu các tòa nhà thương mại để giảm lượng khí thải nhà kính bằng nhiều biện pháp, như thay thế hệ thống đèn thường bằng đèn LED và cam kết đến năm 2020 chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại lớn.
Ngoài ra, Hội đồng thành phố cũng có kế hoạch tổ chức một hội nghị khí hậu dành cho các các nhà lãnh đạo nữ trong thời gian tới. Thị trưởng Sydney khẳng định các thành phố cần phải thể hiện sự lãnh đạo trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi thiếu vắng các hành động từ chính phủ quốc gia.
Trước thềm cuộc bầu cử liên bang Australia tháng 5/2019 vừa qua, một nhóm hơn 60 nhà khoa học và các chuyên gia tại Australia đã cùng viết một bức thư ngỏ, kêu gọi chính phủ nhiệm kỳ sắp tới cần ưu tiên hành động về biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu luôn có sẵn, tuy nhiên còn thiếu ý chí chính trị. Chính phủ Australia cần hành động mạnh mẽ hơn nữa đưa biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu, tránh để Australia ngày càng rời xa mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mặc dù Chính phủ Australia tuyên bố sẽ đảm bảo mục tiêu giảm 26% lượng khí phát thải vào năm 2030 theo thỏa thuận Paris, nhưng một báo cáo mới nhất của Tổ chức nghiên cứu chính sách – khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái thuộc Liên hợp quốc công bố các số liệu cho thấy lượng khí thải tại Australia đang gia tăng.
Tổ chức này cảnh báo thế giới cần có nhiều thay đổi hơn để ngăn chặn sự hủy hoại môi trường đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và hàng triệu loại sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Australia, đất nước sở hữu môi trường tự nhiên khắc nghiệt nhất hành tinh, đang phục hồi sau một mùa Hè nóng nhất trong lịch sử (hàng loạt vụ cháy rừng, hạn hán, gió xoáy…) được ghi nhận, gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp và tài sản quốc gia.
Năm 2016, hội đồng tỉnh Darebin thuộc thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động vì môi trường.
Thành phố này đã ban hành kế hoạch nâng cấp hệ thống tái chế và xử lý chất thải, sử dụng 90% nguyên liệu tái chế để thay thế nhựa rải đường và cải tiến tăng gấp đôi hệ thống cung cấp năng lượng Mặt trời trong vòng bốn năm, kể từ 2016./.