Thành phố Tam Kỳ: Hướng đến chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái

Tam Kỳ là thành phố trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Địa phương này đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo đòn bẩy, thúc đẩy cho sự phát triển…

Kết nối đường sông Tam Kỳ

Đến hẹn lại lên, tháng tư, hoa sưa ở Tam Kỳ nở rộ, sắc vàng rực rỡ khắp các ngả đường của thành phố Tam Kỳ. Tại đây, có gần 5.000 cây sưa vàng với nhiều cây sưa cổ thụ trăm năm tuổi.

Bến Gò - Thọ Tân ở xã Tam Ngọc, điểm dừng chân trên chặng đường du lịch đường sông Tam Kỳ

Bến Gò - Thọ Tân ở xã Tam Ngọc, điểm dừng chân trên chặng đường du lịch đường sông Tam Kỳ

Cây sưa xuất hiện ở các làng quê như Hương Trà, Tam Ngọc từ xa xưa. Người dân thời đó trồng sưa để ngăn sạt lở bởi lũ lụt, cũng để tạo bóng mát. Theo các tài liệu cũng như những người lớn tuổi trong làng kể lại, làng Hương Trà được hình thành từ những năm đầu quy dân lập ấp thời vua Lê Thánh Tông mở cõi về phương Nam vào những năm 1470.

Quá trình hình thành và phát triển đã phân định địa vực làng quê Hương Trà với những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam như cây đa, bến nước, sân đình…

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, để phòng tránh thiên tai lũ lụt, mưa bão làm sạt lở bờ sông, đe dọa đến diện tích đất ở và đất nông nghiệp, cây cối mùa màng, người dân trong làng đã cùng nhau sử dụng cây sưa - một loại cây gỗ tốt và cứng, không mối mọt, mưa nắng không bị cong vênh, có vân đẹp, thường được người dân trong làng sử dụng làm nguyên liệu để đóng các vật dụng như bàn, ghế… để trồng dọc bên bờ sông Tam Kỳ. Qua hàng trăm năm, cây sưa trở thành một phần không thể thiếu ở các làng quê này.

Để lưu giữ và phát triển hình ảnh của cây sưa vàng, tạo điểm nhấn cho du lịch, từ năm 2017, chính quyền TP. Tam Kỳ tổ chức lễ hội mùa hoa sưa, một đợt thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của hoa sưa.

Năm nay, Lễ hội hoa sưa được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, chào mừng thời điểm phục hồi du lịch sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Lễ hội hoa sưa 2022 không dừng lại ở Hương Trà, mà kéo dài lên Tam Ngọc và hồ Phú Ninh, hình thành một quần thể du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phù hợp với bản sắc làng quê.

Trồng sưa tại khu dân cư Đồng Hành, xã Tam Ngọc trong chiến lược phát triển Tam Ngọc thành điểm đến của Lễ hội hoa sưa thường niên của TP. Tam Kỳ

Trồng sưa tại khu dân cư Đồng Hành, xã Tam Ngọc trong chiến lược phát triển Tam Ngọc thành điểm đến của Lễ hội hoa sưa thường niên của TP. Tam Kỳ

Năm 2022, với vị thế là trung tâm của Năm Du lịch quốc gia 2022, tỉnh Quảng Nam nói chung và TP. Tam Kỳ nói riêng sẽ chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động hướng đến mục tiêu góp phần đạt 65 triệu lượt khách du lịch cả nước.

Xuyên suốt chuỗi sự kiện, du khách không chỉ được tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của các vùng quê Tam Kỳ mà còn thưởng thức các món ăn dân dã truyền thống đặc trưng của làng Hương Trà, của các địa phương thuộc TP. Tam Kỳ, như bánh bèo, bánh bánh nậm, mỳ quảng, hến trộn, mít trộn, chè, xoa xoa,...; được mục sở thị người dân của làng Hương Trà làm bánh tét, bánh chưng, mỳ Quảng,… những món ăn dân dã của dân làng.

Đón đầu du lịch sinh thái, cộng đồng

Bắt đầu cho một năm phục hồi du lịch, thu hút du khách, các làng quê ở TP. Tam Kỳ cũng định hình việc xây dựng các mô hình du lịch sinh thái.

Theo đó, tại xã Tam Ngọc, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các dự án phát triển nông nghiệp sinh thái như Phân khu 1 – Nông nghiệp sinh thái khu vực ngoại ô.

Tại đây sẽ phát triển các khu ở, khu làm việc hài hòa với cảnh quan tự nhiên, tận dụng lợi thế không gian mặt nước vốn có, hình thành nên quần thể du lịch sinh thái đa dạng, làm nơi sống, làm việc lý tưởng, hòa mình trong không gian xanh.

Nhà vườn Tam Ngọc với đặc sản đa dạng trái cây phục vụ khách tham quan

Nhà vườn Tam Ngọc với đặc sản đa dạng trái cây phục vụ khách tham quan

Việc định hình mô hình sinh thái tại xã Tam Ngọc cũng như các vùng quê khác ở Tam Kỳ như một xu thế tất yếu, khi quỹ đất trung tâm thành phố không còn nhiều, không gian xanh hạn chế. Khi du lịch hồi phục cũng là tín hiệu khởi sắc cho thị trường bất động sản, nhất là nhu cầu xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du khách.

Hiện nay, các vùng quê của Tam Kỳ như xã Tam Ngọc bắt đầu được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông kết nối, càng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, từng bước nâng tầm vùng du lịch sinh thái của TP. Tam Kỳ.

X.H

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-tam-ky-huong-den-chien-luoc-phat-trien-du-lich-cong-dong-sinh-thai-175545.html