Thành phố tình yêu

Nhà sử học Lê Quý Đôn, trong Kiến văn tiểu lục đã mô tả con đường từ Tuyên Quang lên Hà Giang như sau: 'Đường bộ hành quân từ Trấn sở Tuyên Quang lên Hà Giang... người thường đi bộ chẳng qua 8, 9 ngày. Đây là đường chính, hai bên đều là dân cư, không hiểm trở lắm. Đường thủy hành quân từ Trấn sở Tuyên Quang đi Hà Giang: Ngược sông Cả (sông Lô) đi lên mất 19 ngày rưỡi. Con sông này khá rộng... Thuyền lớn của diêm hộ Tháp mai đều có thể đi được; nếu dùng thuyền độc mộc ngược dòng nước mà lên, chẳng qua chỉ 8, 9 ngày có thể đến được...'. Con đường ấy bây giờ là Quốc lộ 2 mà tôi vẫn thường qua lại, đã được mở rộng, nhiều cây cầu lớn bắc qua sông, suối, nhiều thị tứ, thị trấn mọc lên, dân cư đông đúc, hàng hóa sầm uất, đồi nương xanh một màu cây trái, lúa, ngô...

Đêm thành phố Hà Giang. Ảnh: PHI ANH

Đêm thành phố Hà Giang. Ảnh: PHI ANH

Km 0 Hà Giang là cột cây số đại, vị trí đặt bên phải Công viên Cây xanh, đến đây, con lộ rẽ trái lên Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Rẽ phải qua cầu Yên Biên I là Quốc lộ 34 đến Bắc Mê, sang Cao Bằng. Qua cây cầu 3.2 là điểm bắt đầu con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C) dẫn lên Cao nguyên đá.

Dòng sông Lô ghềnh thác chảy giữa in bóng những cây cầu, bóng núi và những công trình mới. Không hiểu tại sao, mỗi lần qua cây cầu Yên Biên I, tâm tưởng tôi lại vang lên âm hưởng trầm lắng: “Trường ca sông Lô” bất hủ của Văn Cao. Dẫu dòng sông Lô chảy suốt chiều dài Hà Giang, không có những chiến tích lừng lẫy như: Bình Ca, Việt trì, Phú Thọ... Nhưng với Hà Giang, với thành phố nhỏ bé này, dòng Lô đã trở thành biểu tượng trường tồn của đất nước... Khi cơn mưa cuối mùa xa lắc không còn đe dọa nữa. Từng đợt gió từ phương Bắc tràn về lạnh giá. Những nụ hồng của đào bích, đào phai đã lặng lẽ nảy nở. Lòng tôi bồi hồi: Một mùa Xuân nữa lại về trên cực Bắc. Sống lại từng kỷ niệm, cây bàng già lốm đốm màu lá đỏ, hàng Long não lao xao trút lá, không gian như ngân vọng một cung đàn huyền diệu. Tôi đi miên man dọc dài trong Công viên Cây xanh, lắng nghe tiếng sóng thầm thì của sông Lô đang sẫm lại trong chiều... Núi Mỏ Neo nổi cồn ở phía Đông; mặt trời lên phía ấy, vầng trăng khuya cũng treo ở đỉnh trời phía ấy, mây trắng la đà phiêu dạt nhuốm màu biên viễn. Thành phố Hà Giang xưa kia được miêu tả là xứ sở hoang vu, chìm đắm trong sương mù và lạnh giá. Với di chỉ lò Gạch và đồi Thông, thành phố còn tự hào là một trong những trung tâm văn minh xuất hiện sớm nhất của Việt Nam từ thời tiền sử... Năm 1448, nhà Lê củng cố trật tự trị an ở các địa phương miền biên ải, trong một lần vi hành lên phương Bắc, để yên dân vùng biên giới rộng lớn này, nhà vua đã cho khắc bài Minh trên quả chuông đồng đặt trang trọng trong một ngôi chùa ở Đạo Đức (Vị Xuyên), bài Minh có đoạn: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị rất nặng...”.

Cột mốc Km số 0 luôn được các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm khi đến với Hà Giang. ảnh: Quỳnh Hương

Cột mốc Km số 0 luôn được các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm khi đến với Hà Giang. ảnh: Quỳnh Hương

Đi suốt hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, thành phố Hà Giang với hành trang là những hồi ức hào hùng, mang trong mình niềm tin và ý thức với địa đầu Tổ quốc. Nhiều tứ thơ, áng văn, ca khúc viết về thành phố mà tác phẩm nào cũng lắng đọng, dào dạt... Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi chuyển ngành về Hà Giang. Tuổi trẻ đầy khát vọng, tôi đã hăm hở đi, hăm hở viết về vùng đất này với một tình cảm đặc biệt: “Mỏ Neo đứng bên kia/ Bên này là Núi Cấm/ Thành phố như bông hoa/ Thêu trên nền thổ cẩm...”. Tác phẩm được công bố vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đọc lại vẫn còn thấy ấm áp, xúc động và để hiểu thật đầy đủ tại sao tôi lại gắn bó với Hà Giang lâu đến thế. Tôi đã tìm được cho riêng mình một vùng đất văn chương để trụ lại...

Mới vậy mà đã hơn 40 năm... Từ ngày cây cầu Yên Biên I đang liền nhịp... đứng phía bờ Tây nhìn sang bờ Đông, dòng Lô nước xanh trong tận đáy, bờ đá dựng màu rêu, nhành lau rủ trắng bạc, thẻo cát chạy dài bên bờ đá, chiều chiều các em tôi ra sông gánh nước, giặt giũ thật vui, vào thời điểm ấy tôi đã làm thơ: “Sông Lô đẹp như thơ và em vậy/ Đẹp như là năm tháng đợi chờ nhau/ Thương bến lở mỗi chiều em giặt áo/ Dù mỗi ngày bạc trắng một nhành lau...”. Có lần tôi leo hơn 400 bậc đá lên đỉnh núi Cấm, nhấm nháp hương vị thiên nhiên miền sơn cước ào ạt từ phía sông Lô thổi lên và lặng ngắm đến say mê toàn cảnh thành phố... Thành phố nằm trong một thung lũng đẹp, nên thơ, nhìn rõ từng khu phố, những con đường xương cá nối với trục đường chính... Nổi bật vẫn là Quảng trường 26.3, với những ô vuông trồng cỏ xanh biếc và quần thể tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang. Nơi ấy, vào ngày 26.3.1961, đồng bào các dân tộc thành phố Hà Giang được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm. Bác khen ngợi đồng bào đã đóng góp nhiều công sức trong kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, nay lại có nhiều thành tựu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thành tựu mở đường giao thông, đoàn kết dân tộc... Hướng về phía Đông Nam, qua bản Lắp, Pác Ngàn xã Phú Linh... Hồ Noong hiện ra, một vùng trời mây non nước hữu tình, mà ai đó đã ví là “con mắt của rừng xanh” đang được đầu tư để xây dựng thành khu du lịch sinh thái. Du khách cũng không quên đến thăm Làng Văn hóa bản Cưởm (Ngọc Đường), cạnh Quốc lộ 34. Đó là một không gian văn hóa Tày đặc sắc. Ngược lên phía Thanh Thủy cách thành phố chừng 5 km có Làng Văn hóa Phương Độ, Phương Tiến nổi tiếng với những món ăn được chế biến từ cá, thịt vịt, nghi thức uống rượu và hát dân ca Tày...

Năm 1887, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Hà Giang. Sau nhiều năm trường kỳ kháng chiến với bao máu xương của quân và dân các dân tộc Hà Giang, ngày 8.12.1943, thành phố hoàn toàn giải phóng. Hà Giang đi trước về sau... nhìn nhận điều này ở thành phố địa đầu Tổ quốc là hoàn toàn có cơ sở, vì sau năm 1954 là nạn thổ phỉ cũng hết sức cam go; rồi công cuộc bảo vệ biên giới kéo dài đến 10 năm, với biết bao tổn thất nặng nề, trong khi Tổ quốc thống nhất, non sông đã thu về một mối. Khi tái thiết lại tỉnh Hà Giang vào năm 1991 tôi đã chứng giám điều này. Toàn bộ thị xã vắng vẻ, trần trụi, thành phố thưa thớt bóng người qua lại... bây giờ thành phố đã thêm nhiều cây cầu mới, những tuyến đường rộng mở, phố sá sạch đẹp, bình yên... nhiều cửa hàng, cửa hiệu, nhà nghỉ, công viên mọc lên, khách thập phương lên với thành phố ngày càng đông. Nhất là khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là Công viên Địa chất duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm này, là Công viên Địa chất thứ hai ở khu vực Đông Nam Á sau Lang Kawi của MaLaysia, mở ra cơ hội to lớn cho Hà Giang “Biến đá thành nguồn thu nhập chính cho người dân”.

Với đặc thù có nhiều thành phần dân tộc: Mông, Tày, Dao, Kinh... những năm qua bằng nỗ lực của toàn Đảng bộ mà nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thành phố đã có nhiều thành tựu và bước đi vững chắc. Đảng bộ thành phố đang phấn đấu: Xây dựng thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch miền núi biên giới, có kinh tế ngày càng phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh vững chắc, xã hội kỷ cương, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc.

Hà Giang mãi là chấm son hồng, vời vợi trên tấm bản đồ Tổ quốc. Cái chấm son ấy một thời cả nước từng hướng lên với tất cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Nay, thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, phát triển đi lên của đất nước...

Tản văn của CAO XUÂN THÁI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202001/thanh-pho-tinh-yeu-754355/