Thành phố Trung Quốc tắt đèn đường để đạt mục tiêu năng lượng

Để đáp ứng mục tiêu về mức tiêu thụ năng lượng theo yêu cầu của trung ương, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tắt đèn đường, hạn chế hệ thống sưởi, cấm sử dụng thang máy.

Trong nhiều tháng, các nhà máy ở Nghĩa Ô, nơi được mệnh danh là "thành phố Giáng sinh" của Trung Quốc, đã sản xuất phần lớn lượng dây kim tuyến, hạt châu và các món đồ trang trí khác được treo trên cây thông khắp thế giới.

Song hoạt động sản xuất gần như ngừng hoạt động vào giữa tháng 12 do chính quyền địa phương tắt đèn.

Ma Hairu, người làm việc tại một cơ sở sản xuất đồ trang trí bằng giấy cho dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, cho biết nhà máy của anh gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vì họ chỉ được phép làm việc nửa ngày.

"Chúng tôi có rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng chúng tôi không có đủ thời gian để thực hiện", anh nói.

 Nghĩa Ô là nơi nổi tiếng với việc sản xuất đồ trang trí Giáng sinh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Nghĩa Ô là nơi nổi tiếng với việc sản xuất đồ trang trí Giáng sinh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Quan chức ở tỉnh Chiết Giang đang chạy đua để đạt được các mục tiêu tiêu thụ năng lượng theo kế hoạch 5 năm của chính quyền trung ương, dự kiến kết thúc vào ngày 31/12. Đầu tháng này, chính quyền địa phương ra chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp không để thang máy hoạt động dưới tầng 3 và chỉ bật hệ thống sưởi khi nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 3 độ C.

"Không thiếu điện [ở Chiết Giang]. Một số nơi trong tỉnh đã tự áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng điện để tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải", Triệu Thần Hân, Tổng thư ký Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), cho biết vào tuần trước.

Việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Tại Nghĩa Ô, thành phố có một triệu dân, hệ thống sưởi ở các văn phòng, trung tâm mua sắm, trường học và bệnh viện đã bị tắt, dù ban ngày chỉ khoảng 10 độ C.

Ngay cả đèn đường cũng bị tắt, khiến người lái xe và người đi bộ phải mò mẫm trong bóng tối. Hệ thống sưởi cũng đã bị hạn chế ở thành phố Ôn Châu gần đó, nơi sinh sống của hơn 9 triệu người, theo chính quyền địa phương .

"Một năm khó khăn"

Việc hạn chế tiêu thụ năng lượng ở Nghĩa Ô lần đầu tiên được chú ý vào tuần trước, khi những bức ảnh và video về những con phố tối đen như mực bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Trên Weibo, nền tảng giống Twitter tại Trung Quốc, người dân Nghĩa Ô phàn nàn về việc đèn đường bị tắt và phải lái xe về nhà trong bóng tối giữa lúc giao thông hỗn loạn. Chủ đề này nhanh chóng được chú ý, thu hút 120 triệu lượt xem tính đến ngày 23/12, cùng hàng nghìn bình luận.

 Người dân Nghĩa Ô lái xe trong bóng tối khi đèn đường bị tắt hôm 22/12. Ảnh: Reuters.

Người dân Nghĩa Ô lái xe trong bóng tối khi đèn đường bị tắt hôm 22/12. Ảnh: Reuters.

Một số người cáo buộc chính quyền Nghĩa Ô đã đánh đổi sự an toàn của cộng đồng để làm đẹp báo cáo.

Sau phản ứng dữ dội trên mạng, lực lượng chức năng đã bật đèn trở lại. Một nhân viên điều hành đường dây nóng của chính quyền nói với CNN hôm 23/12: "Đèn chỉ tắt trong vài ngày. Hầu hết đã được bật lên lúc này".

Tuy nhiên, các hạn chế khác vẫn được áp dụng. Yin Mingfei, quản lý quán cà phê tại khu mua sắm ở trung tâm thành phố, cho biết hệ thống sưởi đã bị tắt trong gần hai tuần, trong khi bảng quảng cáo điện tử và thang cuốn không hoạt động.

Một nhân viên lễ tân tại Bệnh viện Trung tâm Nghĩa Ô cho biết hệ thống sưởi ở các khu vực chung đã bị tắt và cô phải mặc thêm nhiều lớp quần áo để giữ ấm. Trên Weibo, nhân viên văn phòng nói họ run rẩy khi ngồi làm việc .

Các nhà máy và xưởng sản xuất tại thành phố đã được lệnh giảm hoặc tạm dừng sản xuất giữa lúc đơn đặt hàng đang tràn về.

Tháng 12 đáng lẽ là thời điểm bận rộn nhất trong năm đối với Liu Lei, chủ một xưởng nhỏ làm bao lì xì Tết ở ngoại ô Nghĩa Ô. Song anh đã được yêu cầu "làm hai ngày, nghỉ hai ngày" cho đến cuối năm để tiết kiệm điện.

"Tất nhiên, tác động [đối với công việc kinh doanh] là rất lớn. Các đơn đặt hàng bao lì xì đang ùa về nhưng tôi không thể đáp ứng hết", anh nói. "Vì vậy, tôi đã phải từ chối một số đơn".

Văn hóa chạy theo chỉ tiêu

Những sự việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ, trên quy mô lớn hơn nhiều và kéo dài nhiều tháng hơn. Năm 2010, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 tại Trung Quốc, Chiết Giang và gần 10 tỉnh thành khác đã triển khai các biện pháp hạn chế sử dụng điện.

Một số địa phương đã bắt đầu ngay từ tháng 7 năm đó. Các biện pháp bao gồm hạn chế hoặc ngừng sản xuất tại các nhà máy tiêu thụ nhiều điện, cũng như cấm sử dụng điều hòa tại các văn phòng và trường học.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành "cuộc chiến chống ô nhiễm". Mục tiêu là đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào than, nguồn nhiên liệu vẫn chiếm gần 60% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tính đến năm 2019.

Gần đây, nhà lãnh đạo đã đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia phi carbon vào năm 2060.

 Bắc Kinh thường bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong mùa đông. Ảnh: Getty.

Bắc Kinh thường bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong mùa đông. Ảnh: Getty.

Song những nỗ lực có ý nghĩa như vậy đôi khi lại gây tranh cãi do việc lập kế hoạch yếu kém và triển khai quá mạnh tay.

Năm 2017, giới chức triển khai chiến dịch lớn nhằm chuyển đổi từ dùng than sang dùng khí đốt tự thiên cho hệ thống sưởi trong mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, do quan chức địa phương cấm sử dụng than trước khi hệ thống sưởi bằng khí đốt được lắp đặt đúng cách hoặc nguồn cung cấp khí đốt hoạt động ổn định, người dân đã phải hứng chịu cái rét cắt da cắt thịt.

"Chuyện này rất phổ biến ở Trung Quốc. Đó là kết quả của văn hóa chính trị chạy theo chỉ tiêu", Trey McArver, đối tác của công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Sự nghiệp chính trị của hầu hết quan chức Trung Quốc phụ thuộc vào hệ thống đánh giá dựa trên thành tích. Các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, và nhất là bảo vệ môi trường, đóng vai trò quan trọng trên con đường tiến thân của họ.

Các quan chức địa phương thậm chí phải chịu nhiều áp lực hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu chính sách mà Bắc Kinh đề ra, chẳng hạn như các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm.

Hồi tháng 9, các quan chức ở Nội Mông đã được NDRC triệu tập để thảo luận "những vấn đề nghiêm trọng" liên quan đến việc tiết kiệm năng lượng tại khu tự trị này. Mức tiêu thụ và cường độ tiêu thụ năng lượng tại Nội Mông đã vượt quá giới hạn đặt ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13.

 Khói từ nhà máy sản xuất thép ở Nội Mông. Ảnh: Getty.

Khói từ nhà máy sản xuất thép ở Nội Mông. Ảnh: Getty.

Quá nhiều mục tiêu

Chiết Giang được yêu cầu cắt giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, tức lượng năng lượng cần thiết để tạo ra một đơn vị sản lượng kinh tế. Mức giảm là 17% so với năm 2015, theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về tiết kiệm năng lượng do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố.

Đến hết năm 2020, tỉnh này chỉ được phép tiêu thụ nhiều hơn năm 2015 lượng năng lượng tương đương 23,8 triệu tấn than. Song, một số dấu hiệu cho thấy tỉnh đã sử dụng quá nhiều.

Theo thông báo của Ủy ban Phát triển và Cải cách Chiết Giang năm 2019, tỉnh này đã tiêu thụ đến 87% hạn ngạch năng lượng được phép tăng thêm trong ba năm đầu tiên của kế hoạch.

Hồi tháng 10, chính quyền trung ương đã cử nhóm điều tra đến Chiết Giang để đánh giá tình hình. Theo Ủy ban Phát triển và Cải cách Chiết Giang, nhóm đã chỉ thị Chiết Giang "làm hết sức mình" để đạt được các mục tiêu .

Theo nhà tư vấn McArver, vấn đề ở đây là các quan chức thường có nhiều hơn một mục tiêu để hoàn thành và chúng không phải lúc nào cũng bổ trợ cho nhau.

"Lý do dẫn đến tình trạng chạy đua để đáp ứng mục tiêu là cho đến nay, quan chức địa phương chủ yếu tập trung vào các mục tiêu khác", chẳng hạn như tăng trưởng GDP, việc làm và nguồn thu của chính quyền.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng ngừng hoạt động do dịch Covid-19 ban đầu đã giúp chính quyền các địa phương đạt được mục tiêu về lượng khí thải, nhưng sự vội vàng phục hồi nền kinh tế đã khiến việc này đổ bể.

Theo Li Shuo, cố vấn chính sách khí hậu cấp cao của Greenpeace Đông Á, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng.

 Ngành sản xuất thép tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau thời gian phong tỏa. Ảnh: Getty.

Ngành sản xuất thép tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau thời gian phong tỏa. Ảnh: Getty.

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, sự tăng vọt về sản lượng thép được sản xuất sau thời gian phong tỏa đã làm gia tăng lượng khí thải ở Trung Quốc.

Đối với các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô, hoạt động sản xuất cũng phục hồi nhờ lượng đơn đặt hàng tăng vọt sau mùa hè. Song điều đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Ma Hairu, người sản xuất và bán đồ trang trí lễ hội, cho biết đây là một năm đặc biệt khó khăn đối với công việc kinh doanh, đầu tiên là do đại dịch và giờ là hạn chế về tiêu thụ điện.

"Chúng tôi từng đạt doanh thu hơn một triệu nhân dân tệ (150.000 USD), nhưng sau hàng loạt sự gián đoạn trong năm nay, chúng tôi thực sự không biết mình có thể kiếm được bao nhiêu", anh nói.

Đông Phong

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-pho-trung-quoc-tat-den-duong-de-dat-muc-tieu-nang-luong-post1167513.html