Thành phố Tuyên Quang: Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

Những năm gần đây, đội văn nghệ quần chúng các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho người dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Tiết mục của Đoàn xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng các nhà văn hóa tiêu biểu năm 2019.

Tiết mục của Đoàn xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng các nhà văn hóa tiêu biểu năm 2019.

Anh Trần Minh Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố cho biết, hiện nay, thành phố có 376 đội văn nghệ, 23 câu lạc bộ (CLB) quan họ, chèo, Sình ca Cao Lan… và 1 đội tuyên truyền lưu động với gần 500 thành viên tham gia. Để duy trì hoạt động, các thành viên đều chủ động mua sắm trang phục, nhạc cụ để tập luyện và biểu diễn. Đây là lực lượng nòng cốt thường xuyên phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Từ đó, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

CLB Đàn hát dân ca xã An Tường được thành lập từ cuối năm 2012, CLB thường xuyên tập luyện các làn điệu dân ca, chèo, quan họ… Khi mới thành lập, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành phố, CLB đã dần đi vào nền nếp. Hiện nay, CLB duy trì hoạt động thường xuyên vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Bà Lương Thị Phương, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca xã An Tường nói, CLB được thành lập với mong muốn quy tụ những người đam mê nhạc cụ dân tộc, yêu thích ca hát để cùng nhau tập luyện và biểu diễn. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương.

Xã Lưỡng Vượng là một trong những xã có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở thành phố. Anh Phùng Văn Tân, cán bộ Văn hóa xã hội xã Lưỡng Vượng cho biết, toàn xã hiện có 16 đội văn nghệ (100% các thôn trong xã đều có đội văn nghệ) và 1 CLB quan họ. Mỗi CLB, đội văn nghệ thu hút từ 15 - 30 người tham gia. Hàng tháng, các đội văn nghệ đều tổ chức sinh hoạt để cùng giao lưu, tập luyện các tiết mục văn nghệ, các làn điệu dân ca, dân vũ… Qua đó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con. Ngoài ra, những diễn viên, nghệ nhân nòng cốt ở các đội văn nghệ, CLB còn truyền dạy các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ để đưa hoạt động văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển.

Thông qua các hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương, thành phố đã tuyển chọn đội văn nghệ tiêu biểu để tham gia các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức và đoạt giải cao. Đặc biệt, tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng các nhà văn hóa tiêu biểu tỉnh vừa được tổ chức, đoàn tham gia 5 tiết mục, trong đó có 4 tiết mục đoạt giải (2 tiết mục đạt xuất sắc, 2 tiết mục đạt khá) và đạt tập thể xuất sắc. Việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tin-tuc/thanh-pho-tuyen-quang-phat-trien-phong-trao-van-nghe-quan-chung-121105.html