'Thành phố vàng' lớn nhất Ai Cập
Thành phố 3.000 năm tuổi bị vùi dưới cát tại Ai Cập này được xem là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất kể từ khi lăng mộ vua Tutankhamun được khai quật.
Theo trang tin BBC, phát hiện này được tiến sĩ Zahi Hawass, Nhà Ai Cập học nổi tiếng, công bố hôm 8/4. Ông cho biết địa điểm của "thành phố vàng mất tích" này nằm gần Luxor, quê hương của Thung lũng các vị vua. Thành phố có tên gọi Aten, và được xem là thành phố cổ lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập.
Aten được xác định có niên đại từ thời vua Amenhotep III, người trị vì từ năm 1391 đến năm 1353 trước CN và là một trong những Pharaoh quyền lực nhất của Ai Cập. Thành phố vẫn tiếp tục tồn tại dưới thời các Pharaoh Ay và Tutankhamun.
Betsy Brian, giáo sư Ai Cập học tại Đại học John Hopkins ở thành phố Baltimore (Mỹ) cho rằng việc tìm ra thành phố vàng mất tích này là phát hiện khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ thời điểm khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun.Theo bà, Aten sẽ "cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại" vào thời điểm cực thịnh.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu quá trình khai quật thành phố từ tháng 9/2020 ở vùng phía tây Luxor, gần Thung lũng các vị vua, cách thủ đô Cairo khoảng 500 km về phía nam. "Chỉ trong vài tuần, trước sự ngỡ ngàng của các thành viên, từng khối gạch bùn bắt đầu xuất hiện ở mọi hướng", Tiến sĩ Hawass nói trong tuyên bố. "Những gì họ khai quật được là địa điểm của một thành phố lớn trong tình trạng bảo quản tốt, với những bức tường gần như hoàn chỉnh, và với những căn phòng chứa đầy dụng cụ sinh hoạt hàng ngày".
Cho đến nay, sau 7 tháng, một số khu vực nội đô và và ngoại ô thành phố đã được khai quật. Bên cạnh đó, nhiều cổ vật có giá trị cũng được tìm thấy như đồ trang sức, đồ gốm màu, bùa hộ mệnh hình bọ hung và gạch bùn có hình con dấu của vua Amenhotep III.
Cũng theo tiến sĩ Hawass, nhiều phái bộ nước ngoài từng cất công tìm kiếm thành phố này, song đều bất thành. Ông cho biết công việc khai quật vẫn đang tiếp tục được tiến hành, và đội ngũ của ông "hy vọng sẽ khám phá được những ngôi mộ hoang sơ chứa đầy kho báu".
Ai Cập đang tìm cách quảng bá những di sản cổ đại của mình để hồi sinh lĩnh vực du lịch, vốn bị gián đoạn sau nhiều năm bất ổn chính trị và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuần trước, quốc gia Bắc Phi này đã tổ chức một buổi diễu hành hoành tráng có một không hai trong lịch sử đối với hàng chục hài cốt những vị vua cổ đại của nước này. 22 xác ướp, trong đó có 18 vị vua và 4 hoàng hậu, đã được di dời từ thủ đô Cairo đến Bảo tàng Văn minh Ai Cập mới được khánh thành.
Vua Amenhotep III và vợ là Hoàng hậu Tiye nằm trong số những xác ướp được chuyển đến nơi an nghỉ mới.