Thành phố Venice thoát khỏi việc bị xếp loại di sản thế giới bị đe dọa
Ủy ban Di sản Thế giới, nhóm họp tại Phúc Châu (Trung Quốc), đã ra hạn chót cho Chính phủ Italy đến tháng 12/2021 phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.
Ngày 22/7, thành phố Venice của Italy đã tránh bị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xếp vào loại di sản thế giới bị đe dọa, vài tuần sau khi Italy quyết định cấm các tàu du lịch lớn di chuyển trong trung tâm thành phố nổi này.
Năm 1987, UNESCO đã xếp Venice vào danh sách di sản thế giới, nhưng hồi tháng trước, tổ chức này cảnh báo chính quyền thành phố cần "quản lý du lịch bền vững hơn" nếu không sẽ bị xếp vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
Ủy ban Di sản Thế giới, nhóm họp tại Phúc Châu (Trung Quốc), đã ra hạn chót cho Chính phủ Italy đến tháng 12/2021 phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.
Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini hoan nghênh quyết định mới của UNESCO, song cho biết "sự lưu ý đối với Venice vẫn cao," đồng thời nhấn mạnh cần xác định "lộ trình phát triển bền vững."
Nhiều năm nay, các nhà hoạt động đã kêu gọi chấm dứt việc cho các tàu du lịch đi lại qua quảng trường St Mark. Họ cho rằng các "khách sạn nổi khổng lồ" này gây ra những con sóng lớn, hủy hoại nền móng của thành phố và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái mong manh tại đây.
Ngày 13/7 vừa qua, Chính phủ Italy đã ra sắc lệnh cấm các tàu du lịch lớn vào trung tâm Venice để bảo vệ hệ sinh thái và di sản của vùng đầm phá này.
Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, sẽ áp dụng đối với các tàu có bất kỳ đặc điểm nào trong 4 đặc điểm sau: Nặng hơn 25.000 tấn, dài hơn 180 mét, cao hơn 35 mét hoặc thải ra hơn 0,1% lưu huỳnh.
Các tàu du lịch khác, nhất là các tàu nhỏ hơn vẫn được cập cảng ở trung tâm thành phố. Các tàu lớn sẽ tạm thời chuyển đến cảng công nghiệp Marghera của thành phố Venice./.