Thành phố Việt Trì: Lấy văn hóa làm động lực để phát triển

PTĐT - Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 817/QĐ-TTg Phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con, du khách khi đến với thành phố Việt Trì.

Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con, du khách khi đến với thành phố Việt Trì.

Trong đó, mục tiêu: Xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng Đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam. Tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng Đất Tổ: Cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Yếu tố cốt lõi để phát triển Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam chính là Việt Trì - Kinh đô Văn Lang xưa thời Hùng Vương dựng nước - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Việt Trì chứa đựng đậm đặc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa với 54 di tích được Nhà nước xếp hạng (Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 13 di tích Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh), 49 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 4 phường Xoan, 16 di tích liên quan Hát Xoan. Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Việt Trì phong phú, đặc sắc, bao gồm nhiều loại hình mang đậm sắc thái cội nguồn với 56 lễ hội truyền thống; 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang (phường Bạch Hạc). Đặc biệt, Việt Trì vinh dự là địa bàn trung tâm thực hành 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” - các di sản văn hóa đã, đang trở thành niềm tin, nơi hội tụ, điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Quá trình xây dựng, phát triển của thành phố Việt Trì là quá trình tiếp nối giữa quá khứ lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Hướng tới một thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam trong tương lai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bền vững với một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tính tự nguyện, tự quản của người dân, tiến tới người dân là chủ thể thực hiện các nghi lễ; nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tăng dần cơ cấu du lịch dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân cả nước và du khách quốc tế khi hành hương về Đất Tổ. Tạo lập được môi trường sinh thái cũng như môi trường sống thực sự chất lượng và đạt tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển thành phố Việt Trì xứng tầm (quốc gia, quốc tế) trong việc tổ chức các sự kiện giao lưu, diễn xướng các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh…

Với định hướng đó, thành phố Việt Trì đã hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho phát triển du lịch; gắn các hoạt động lễ hội với các hoạt động dịch vụ, du lịch. Khôi phục, duy trì và phát huy các di tích, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa và giá trị các lễ hội truyền thống của lễ hội; xây dựng kế hoạch, chương trình, đổi mới phương thức tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lễ hội phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê sự phát triển của di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng Đất Tổ ra thế giới. Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Ngoài ra, thành phố Việt Trì hình thành và xây dựng không gian trung tâm lễ hội: Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thành phố Việt Trì - Bến Gót, Bạch Hạc; chú trọng phát triển không gian lễ hội tại các xã phường, khu dân cư, khôi phục các làng nghề truyền thống. Thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với điều kiện của thành phố. Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch kết nối các điểm di tích, di sản trong tỉnh với các trọng điểm du lịch trong vùng Tây Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng và mở rộng mạng lưới liên kết các tổ chức, các câu lạc bộ, các nghệ nhân tiêu biểu, các nhà nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi của tỉnh, vùng và cả nước. Thu hút mạnh hơn, thường xuyên hơn và mở rộng hơn sự tham gia của các địa phương, các dân tộc trong nước vào các hoạt động lễ hội và tổ chức lễ hội để thành phố Việt Trì thực sự là thành phố lễ hội về với cội nguồn đặc trưng của Việt Nam. Tiếp tục duy trì, kết nối các hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa nói chung và bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, tạo điều kiện cho di sản được giới thiệu, tôn vinh, chủ thể văn hóa được giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.Bước vào nhiệm kỳ mới, với mục tiêu lấy văn hóa làm động lực phát triển, Đảng bộ thành phố Việt Trì tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”, đóng góp tích cực vào sự phát triển Việt Trì- Kinh đô Văn Lang xưa - Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.Lê Công Luận
Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202007/thanh-pho-viet-tri-lay-van-hoa-lam-dong-luc-de-phat-trien-172139