Thành phố xe đạp
Vào những năm 1990, lúc tôi còn là một cậu bé, đường phố Huế rất ít xe máy, rất nhiều xe đạp. Thời đó, khi đi ra đường, người dân có thể tự do hít thở không khí trong lành của đường phố.
Hướng đến “thành phố xe đạp”
Lùi xa hơn, thế hệ của những người Huế xưa càng có diễm phúc hít thở không khí trong lành của vùng đất nơi đây. Tôi chỉ nêu một trường hợp. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001). Dù sinh ra ở Đắk Lắk, nhưng từ 4 tuổi, ông đã theo gia đình ra Huế sinh sống.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã nhận định: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình, hít thở thiên nhiên Huế vàng son và thơ mộng...”.
Vừa qua, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế bên cạnh những chiếc xe đạp vô cùng tinh tế. Để tái hiện lại cảnh trường Trung học kiểu mẫu Huế thời trước, đoàn làm phim “Mắt biếc” đã tổ chức casting 2.000 ứng viên ở khắp các trường trung học và các trường đại học ở Huế và đã chọn ra 200 diễn viên quần chúng ở địa điểm này.
Sau đó, đoàn làm phim đã may hơn 200 bộ áo dài và đồng phục, tìm kiếm và tỉ mỉ phục dựng hàng trăm chiếc xe đạp và cặp xách cũ theo phong cách thập niên 60-70.
Xe đạp ở Huế cũng thật lạ. Có lẽ Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam hiện còn có xe đạp thồ. Những chiếc xe đạp thồ như vậy hiện chỉ còn tồn tại ở các chợ đầu mối Bãi Dâu, chợ Đông Ba…
Huế cũng có Giải đua Xe đạp thể thao Coupe de Huế được nhiều người biết đến. Đặc biệt, Coupe de Huế 2019 được xem là giải đua xe đạp mạo hiểm, gian khổ nhất Việt Nam và tương đương với Tour de France nổi tiếng thế giới khi các vận động viên phải chinh phục đỉnh Bạch Mã ở độ cao 1.260 m và A Lưới với độ cao 1.800 m. Ngoài tranh tài thể thao, Coupe de Huế 2019 còn góp phần giới thiệu, quảng bá các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử nổi tiếng của địa phương đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Vào tháng 5/2019, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phát động phong trào “đạp xe vì sức khỏe và môi trường”. Phong trào nhằm mục đích vận động người dân, các tổ chức đoàn thể và các bộ công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dành ít nhất một ngày trong tuần đi làm bằng xe đạp nhằm góp phần tăng cường sức khỏe, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí khi tham gia giao thông.
Điều này làm tôi thích thú khi nghĩ về một kỷ niệm đáng nhớ thời học đại học. Đó là vào năm 2009, khi tôi và bạn cùng lớp Lê Vũ Trường Giang (hiện đang công tác tại Tạp chí Sông Hương) tham gia vào Câu lạc bộ C4E “Đạp xe vì môi trường” (Cycling for environment). Câu lạc bộ này thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam quy tụ học sinh, sinh viên đạp xe đạp để tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), Berlin (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha), Tel Aviv (Israel) là những thành phố xe đạp nổi tiếng của thế giới. Đặc biệt nhất là tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan với đường dành cho xe đạp trải dài hơn 400 km. Trong thành phố này, hơn 60% người dân và du khách đi dạo bằng xe đạp. Thậm chí, cảnh sát cũng dùng xe đạp để đi tuần tra. Ước tính, Amsterdam có tới trên 1,2 triệu xe đạp, nhiều hơn cả số dân trong thành phố.
Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch cũng được biết đến là thành phố thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới. Có tới hơn 400 km là đường bằng phẳng dành riêng cho xe đạp. Khoảng 50% người dân ở Copenhagen đi học hoặc đi làm bằng xe đạp hàng ngày.
Ở nước ta, TP. Hội An (Quảng Nam) cũng đang tới gần hơn với ý tưởng “thành phố xe đạp, thành phố không động cơ”. Do đó, thành phố xe đạp là một ý tưởng hay dành cho Huế, bởi TP. Huế đã đạt được các danh hiệu cao quý như “Thành phố du lịch sạch ASEAN” (2018 - 2020, 2020 - 2022), “Thành phố Xanh quốc gia” (2016). Do đó, cần giữ mãi cho Huế là thành phố xanh, sạch và không có sự ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, thành phố Huế hiện đang có số lượng xe máy, xe ô tô khá nhiều, trong khi số lượng người đi xe đạp ngày càng giảm dần. Điều đáng buồn nhất là lứa tuổi học sinh hiện nay thay vì sử dụng xe đạp, thì lại sử dụng xe đạp điện hoặc đi xe máy.
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty cổ phần Ashui Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch tổ chức “Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 8/2020, sẽ xây dựng mô hình thí điểm, đầu tư 1.000 chiếc xe đạp ở các điểm công cộng để phục vụ người dân và khách du lịch. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng kế hoạch cung cấp một hành lang pháp lý và định hướng chính sách nhằm giúp thành phố Huế xây dựng môi trường an toàn cho việc đi xe đạp.
Trước đó, vào tháng 10/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo về dự án xe đạp thông minh với 2.400 chiếc (nội thành 400 chiếc, ngoại nội thành 2.000 chiếc). Mục đích của dự án nhằm giúp người dân và du khách đạp xe đi dạo ngắm cảnh dọc sông Hương hay tham quan các di tích.
Nếu thành công, Huế sẽ trở thành thành phố xe đạp và sẽ lôi kéo nhiều hơn những du khách ưa thích loại hình khám phá này.
Đa dạng các loại hình khám phá khác
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (thơ Bùi Giáng).
Núi Ngự là bức bình phong màu xanh gắn liền với sông Hương tươi mát chảy vào lòng thành phố di sản, nhưng thành phố Huế còn có nhiều “lá phổi xanh” khác. Đó là các con đường đầy cây xanh và các công viên xanh ngát màu cỏ, đã tác động tích cực đến đời sống người dân thành phố Huế và mang lại cảm giác dễ chịu cho du khách. Theo thống kê, thành phố Huế hiện đang vượt tiêu chuẩn yêu cầu cây xanh đối với đô thị loại 1 và được đánh giá là đô thị có tỷ lệ cây xanh lớn nhất của cả nước.
Không chỉ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khác. Nổi bật nhất là Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông. Nơi đây còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh xanh bát ngát... Đặc biệt, khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do gần biển nên nhiệt độ mùa Đông không bao giờ xuống dưới 4ºC và nhiệt độ cao nhất vào mùa Hè ít khi vượt quá 26ºC.
Các chuyên gia nước ngoài đã đánh giá, Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ ở vùng núi Đông Dương. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến rừng thông Thiên An. Khu rừng thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, với cảnh quan không kém gì những rừng thông ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Khu rừng thông này đã đi vào lòng người xứ Huế với những kỳ nghỉ dưỡng không thể nào quên của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Huế và những du khách vào ngày Hè.
Với thành phố Huế, ngoài xe đạp, xích lô cũng là phương tiện tốt để ngắm những đường phố Huế. Dạo phố bằng xích lô là một nét đẹp trong du lịch cố đô Huế. Ngồi trên những chiếc xích lô bình dị, từ từ qua từng con phố, khám phá sinh hoạt cuộc sống người dân, cảm nhận nét văn hóa là điều mà du khách rất thích thú.
Có thể nói, xích lô Huế không chỉ là một phương tiện chuyên chở, mà còn là một nét đẹp văn hóa khó phai mờ của đời sống người dân Huế trong mắt du khách thập phương từ xưa đến nay!
Du khách sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi phong cách phục vụ chuyên nghiệp của các bác xế xích lô, họ thực sự là những hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời nhất. Họ không chỉ thuộc làu mọi ngóc ngách những con đường của thành phố, mà còn biết một cách tường tận và chính xác nhất những khu di tích, thắng cảnh và các địa chỉ ẩm thực, các địa điểm vui chơi trong thành phố.
Đặc biệt, để làm mới cảm giác du lịch của du khách và cũng để phục vụ nhu cầu của nhiều du khách (nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các công ty dịch vụ du lịch cũng đã đưa các phương tiện giao thông đặc thù vào các địa điểm du lịch then chốt. Đó là dịch vụ xe ngựa đón khách đi đến các di tích Hoàng thành, các lăng tẩm, chùa chiền và các danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của khách. Mặt khác, dàn xe điện được thiết kế mẫu mã đẹp cũng đã được sử dụng để phục vụ du khách nhiều năm nay.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-lich/thanh-pho-xe-dap-332411.html