Thành phố Yên Bái - Những dấu mốc giữa hai đầu sự kiện

Ngày 11/1/2002 là một dấu mốc quan trọng, đặc biệt ý nghĩa đối với người dân thành phố Yên Bái khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Yên Bái.

Hệ thống đường giao thông nội đô được mở rộng, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hệ thống đường giao thông nội đô được mở rộng, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ khi thành lập, thành phố đã có sự thay đổi vượt bậc, có nhiều yếu tố thuận lợi mới, hình ảnh đô thị Yên Bái đã trở thành một đô thị tiêu biểu, xứng đáng với vị thế một đô thị quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc, xứng đáng thành phố có vai trò là động lực phát triển đối với tỉnh Yên Bái và vùng Tây Bắc.

Sau hơn 20 năm phấn đấu với sự nỗ lực vượt bậc theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, thành phố Yên Bái đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. Đó là vinh dự tự hào, là mốc son ghi nhận sự chuyển biến tích cực của thành phố trong quá trình đổi mới; phản ánh sự nỗ lực vượt khó để xây dựng thành phố theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc với hạnh phúc”.

Tháng 12/2013, theo Nghị quyết số 122/NQ-CP của Chính phủ, xã Nam Cường và Hợp Minh trở thành phường, theo đó thành phố Yên Bái có tổng số 9 phường và 8 xã. Đến tháng 1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết nhập xã Văn Tiến vào xã Văn Phú; nhập xã Phúc Lộc vào xã Giới Phiên đưa tổng số đơn vị hành chính cấp xã của thành phố lên 15 đơn vị gồm 9 phường và 6 xã. Việc mở rộng địa giới thành phố là bước quan trọng trong lộ trình xây dựng thành phố loại II. Thực tế, thành phố quyết tâm phấn đấu lên hạng trong hoàn cảnh không thuận lợi, ngay vào đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Được sự quan tâm của tỉnh, thành phố đã khơi thông các nguồn lực, vươn mình trở thành một thành phố trẻ đầy tiềm năng, khẳng định rõ vai trò, vị thế là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 10%/năm.

Tính đến hết năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 16.594 tỷ đồng, đóng góp vào tổng sản phẩm của tỉnh đạt 26%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng đô thị, lấy công nghiệp - thương mại - dịch vụ làm trọng tâm.

Thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 1.725 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh đạt 37%; thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, cao gấp 1,8 lần so bình quân chung của cả tỉnh; chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố đạt 72,7%, cao hơn 10% so bình quân chung của cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại đô thị chỉ còn 0,67%.

Thành phố Yên Bái liên tục giữ vững vị trí đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp huyện. Cùng với đó, công tác quy hoạch được quan tâm triển khai bài bản, có tầm nhìn dài hạn, tạo nền tảng quan trọng cho thành phố phát triển. Hạ tầng đô thị thành phố có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thành phố có hệ thống giao thông thuận lợi bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy với các tuyến trục quan trọng như: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hợp phần của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt Hà Nội - Lào Cai kết nối với đường sắt Côn Minh, Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi cho Yên Bái trong phát triển kinh tế liên vùng và hợp tác quốc tế.

Hệ thống đường giao thông nội đô được mở rộng, cải tạo khang trang. Sự kiện thành phố thêm 4 cây cầu: Bách Lẫm, Tuần Quán, Văn Phú và Giới Phiên bắc qua sông Hồng cùng với cầu Yên Bái đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn thành phố hiện có có 52 cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn.

Hệ thống cơ sở y tế đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân với 112 cơ sở y tế, trong đó có 105 cơ sở y tế tư nhân. 100% hộ dân được dùng nước sạch, có kết nối cáp quang, được cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời. Số thuê bao băng rộng di động đạt 100 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 82,75%; 70% người trưởng thành sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến; đặc biệt đến nay, 116% người dân trong độ tuổi trên địa bàn thành phố đã được cài đặt, sử dụng ứng dụng công dân số Yên Bái-S…

Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thành phố Yên Bái đã hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị loại II, nhất quán quan điểm phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301022/thanh-pho-yen-bai---nhung-dau-moc-giua-hai-dau-su-kien.aspx