Thành phố Yên Bái vì mục tiêu phát triển xanh

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nhanh, bền vững theo hướng 'Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc', thành phố Yên Bái đã tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế xanh với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Thành phố Yên Bái hiện có 15 siêu thị, 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.

Thành phố Yên Bái hiện có 15 siêu thị, 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.

Ông Nguyễn Đăng Thuận - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, những năm qua, thành phố chỉ chấp thuận và đề nghị với tỉnh phê duyệt các dự án có dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 3 dự án sản xuất sản phẩm tiêu dùng và vật liệu xây dựng với tổng mức đầu tư mỗi dự án trên 55 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động với mức lương bình quân 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tất cả các dự án đều có dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyề các doanh nghiệp và người dân thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái xanh; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ô nhiễm về môi trường.

Xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển mạnh, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững cũng như sử dụng những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Thành phố hiện có 15 siêu thị, 70 hộ các thể và 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.

Bà Lê Thị Thúy Hà - Phó trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng đánh giá: "Thành phố Yên Bái có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xanh với diện tích mặt nước lớn; tỷ lệ che phủ rừng đạt mức cao. Ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, rừng còn góp phần tạo nên cảnh quan sinh thái với nét đặc trưng riêng cho thành phố. Cùng với đó, thành phố Yên Bái đã xây dựng được Nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại để tái chế rác thải, biến rác thải thành phân bón, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, việc phát triển nền kinh tế xanh của thành phố trong thời gian qua cũng gặp khó khăn do thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của một bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao. Công nghệ sản xuất ở nhiều cơ sở sản xuất phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính.

Bà Hà cho biết: Quá trình đô thị hóa với nhu cầu gia tăng diện tích đất công nghiệp, đất ở đã dẫn đến làm suy giảm diện tích đất rừng trong thành phố làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường và cảnh quan. Cùng với đó, các yếu tố về hạ tầng môi trường và quá trình biến đổi khí hậu là những trở ngại, thách thức cho quá trình phát triển kinh tế xanh, bền vững của thành phố Yên Bái.

Để phát triển một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Nguyễn Đăng Thuận cho biết: Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hướng mạnh theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất thông qua ưu tiên được cụ thể hóa bằng các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh.

Địa phương khuyến khích đầu tư các dự án có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, công nghiệp xanh và dịch vụ xanh; xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo; tăng cường các giải pháp công nghệ đảm bảo phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, thành phố cũng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp; hạn chế việc chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất phi nông nghiệp.

Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo tồn bền vững tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học; đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo phương thức sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường phát triển và thu hút đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, khu, cụm công nghiệp xanh để tạo ra nguồn thu mới và tạo ra việc làm cho lao động địa phương cũng là một nhiệm vụ ưu tiên.

.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301238/thanh-pho-yen-bai-vi-muc-tieu-phat-trien-xanh.aspx