Thành quả 2019 tạo đà về đích cho năm 2020
Trung ương và Chính phủ luôn ủng hộ cần có cơ chế, chính sách thích hợp để các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM... có thể đóng vai trò động lực, lan tỏa các địa phương khác.
Năm 2019, dù trong bối cảnh khó khăn nhưng nền kinh tế đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã đạt được những kết quả ấn tượng. Kết quả này sẽ góp phần tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia trong năm 2020 - năm cuối trong việc thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trước thềm năm mới 2020, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xoay quanh vấn đề này.
Nỗ lực kiến tạo thịnh vượng cho đất nước
. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, nhìn lại tổng quát một năm qua về phát triển kinh tế, theo ông đâu là những điểm nhấn quan trọng nhất?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thành quả này đặt trong bối cảnh đất nước và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, kể cả từ tình hình thế giới, thiên tai… lại càng có ý nghĩa hơn, chứng minh được nỗ lực, sự đoàn kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc kiến tạo thịnh vượng cho đất nước.
Không chỉ chúng ta đánh giá chúng ta như thế, mà nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia khác, nhất là các đối tác phát triển của Việt Nam đều thừa nhận, đánh giá cao và khẳng định rằng: Việt Nam là một điểm sáng về tăng trưởng và phát triển toàn diện. Các đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia… đều có sự cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý, tốc độ tăng GDP năm 2019 của Việt Nam là 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Trong bối cảnh nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả heo châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản trên thị trường thế giới giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn… thì tốc độ tăng trưởng này là kết quả của sự nỗ lực lớn của cả nước. Tăng trưởng năm nay càng có ý nghĩa hơn khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 2,75%. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định, góp phần gia tăng tích lũy cho thu nhập của người dân.
Đáng mừng hơn khi chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên do chuyển dịch tích cực mô hình tăng trưởng, giảm dần phụ thuộc vào ngành khai khoáng và vốn đầu tư; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo ngày càng tăng. Nhiều địa phương nỗ lực phấn đấu vươn lên, thu hút mạnh các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho kết quả chung của cả nước, trong đó nổi bật là hai đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội.
. Phó Thủ tướng vừa nhắc tới việc chuyển dịch tích cực mô hình tăng trưởng. Điều này chắc chắn có liên quan tới kết quả cơ cấu lại nền kinh tế?
+ Đúng vậy, cơ cấu lại nền kinh tế của chúng ta đã thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng mạnh, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Hay với nông nghiệp thì ngoài việc duy trì sự phát triển ổn định, chúng ta còn đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu thông qua việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn, đẩy mạnh xuất khẩu và kết quả là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD.
Ngay cả với các tổ chức tín dụng, chúng ta vẫn tiếp tục cơ cấu lại, gắn nhiệm vụ cơ cấu lại với xử lý nợ xấu và đã đạt kết quả tích cực khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 1,91%.
Điều đáng mừng nữa là đầu tư đã tăng lên cả về tỷ trọng lẫn các nguồn lực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài tăng và ổn định về tỷ trọng, điều đó khẳng định Việt Nam vẫn là một điểm sáng về phát triển nên có thể thu hút được các nhà đầu tư uy tín.
Tôi cho rằng đây chính là cơ sở, tiền đề vững chắc để năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ - chúng ta có thể thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
TP.HCM “vì cả nước”
. Phó Thủ tướng vừa đề cập tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán. Sự đóng góp của TP.HCM vào tổng thu này như Phó Thủ tướng biết là khá lớn…
+ Tôi hiểu ý bạn muốn đề cập tới tỷ lệ điều tiết ngân sách trong giai đoạn 2017-2020, trong đó tỷ lệ điều tiết NSNN cho thành phố giảm từ 23% xuống 18%.
Trong mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, chúng ta phải tính lại tỷ lệ điều tiết NSNN và định hướng tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương (NSĐP) về ngân sách trung ương (NSTW). Hiến pháp quy định NSTW giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định.
Luật NSNN quy định mỗi cấp ngân sách được giao một số nhiệm vụ thu, chi nhất định phù hợp với phân cấp kinh tế, quản lý kinh tế xã hội. Trong thu NSNN, có những khoản thu NSTW, NSĐP được hưởng 100% và có những khoản thu phân chia giữa trung ương và địa phương. Khi nói đến tỷ lệ điều tiết là nói đến tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa trung ương và địa phương như đã nói rõ trong Luật NSNN.
Trên thực tế, giai đoạn 2007-2010 có 11 địa phương điều tiết NSĐP về NSTW, đến giai đoạn 2016-2020 đã có 16 địa phương. Tuy tăng như vậy nhưng số địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW vẫn còn rất lớn.
. Nhưng thưa Phó Thủ tướng, TP.HCM và Hà Nội nếu gộp lại thì số thu gần tới 50% cả nước?
+ Chúng ta biết, Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh với những đặc điểm địa lý, quy mô dân số khác nhau, mức độ phát triển kinh tế và khả năng thu NSNN cũng khác nhau. Và như tôi nói, các tỉnh nhận trợ cấp từ NSTW hiện nay còn tương đối nhiều do khả năng thu NSNN chưa tương ứng.
Bạn đề cập tới Hà Nội và TP.HCM thu NSNN xấp xỉ 50% tổng thu NSNN của cả nước thì chúng ta cũng thấy một hình ảnh rất sinh động: Số thu một ngày của TP.HCM có thể gấp gần hai lần số thu một năm của tỉnh Bắc Kạn, nhưng thực tế thì không chỉ Bắc Kạn mà còn rất nhiều địa phương thu không đủ chi. Chưa kể những địa phương nghèo, các đối tượng chính sách xã hội đông, chi an sinh xã hội lớn, do đó NSTW vẫn phải lo.
Hiện nay chúng ta đang kiên trì mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã xác định, đó là phát triển kinh tế bền vững, đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, lấy ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định trật tự xã hội làm nền tảng phát triển, tăng cường xóa đói giảm nghèo. Có thể thấy 63 tỉnh, thành trong cả nước có sự khác biệt quá lớn về thu chi ngân sách nên phải có sự can thiệp, điều tiết của NSNN, đặc biệt là vai trò của NSTW.
Đương nhiên, điều chúng ta luôn phấn đấu, hướng tới là tăng số địa phương có điều tiết về NSTW. Khi đó thì tỷ lệ điều tiết cho ngân sách của các địa phương như TP.HCM, Hà Nội… sẽ tăng lên trong các thời kỳ ổn định ngân sách tới đây. Mà điều này thì các địa phương khác đang nhận cấp phát từ NSTW cũng phải nỗ lực, cố gắng.
. Thưa Phó Thủ tướng, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng của TP.HCM sẽ đóng góp 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng cả nước. Nếu duy trì tỉ lệ điều tiết này, e rằng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển không chỉ của TP.HCM?
+ Khi tính toán, cân nhắc tỷ lệ điều tiết, Chính phủ đã đề xuất các cơ chế khác cho các địa phương, tạm gọi là “giàu”, ngoài định mức phân bổ. Chẳng hạn như khi tính định mức phân bổ chi thường xuyên, bao giờ cũng ưu tiên các địa phương có điều tiết về NSTW được nhân thêm hệ số từ 30% - 60% - 70% so với các địa phương không điều tiết về NSTW. Rồi Hà Nội, TP.HCM còn được tính thêm so với các tỉnh cùng có điều tiết ngân sách về trung ương. NSNN cũng dành ra hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, khuyến khích các địa phương tăng tỷ lệ điều tiết về NSTW. Như năm 2017 là 14.450 tỷ đồng.
Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng nhu cầu chi tiêu của các địa phương là rất lớn, là vô cùng với mong muốn hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo vệ môi trường… Những địa phương có thể tự chủ được và điều tiết về NSTW có nhu cầu chi tiêu thế nào thì các địa phương khác cũng có nhu cầu không kém. Với mục tiêu phát triển bền vững, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội… thì NSTW phải hỗ trợ các địa phương. Vì vậy, việc điều tiết về NSTW sẽ được tính toán để phù hợp nhất, bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
3,3% là mức vượt dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, chiếm 26,6% tổng chi NSNN; nợ công giảm mạnh còn 56,1% GDP (năm 2016 ở mức sát trần Quốc hội giao là 64,8% GDP).
TP.HCM vượt thu, tin vui cho cả nước
Thông tin từ TP.HCM cho thấy thu ngân sách năm 2019 có thể đạt hơn 412.000 tỷ đồng, vượt 3,3% chỉ tiêu (400.000 tỷ) và chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước. Đây không chỉ là tin vui của TP.HCM mà còn là tin vui của cả nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Nhu cầu phát triển của TP.HCM là rất lớn
. Thưa Phó Thủ tướng, dù bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách nhưng TP.HCM vẫn rất nỗ lực đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của cả nước. Tuy nhiên, với TP.HCM, tỷ lệ điều tiết chỉ còn 18% dường như quá sâu?
+ TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Ngoài tỷ lệ điều tiết, TP.HCM đã có nghị quyết của Quốc hội về cơ chế tài chính đặc thù. Chẳng hạn như cơ chế về hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn (cả DN trung ương và địa phương); cơ chế đặc thù sắp xếp lại đất đai, công sản trên địa bàn, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực này, giúp các địa phương quy hoạch lại đô thị khang trang, văn minh hơn, hiện đại hơn...
Ngoài ra, cơ chế thưởng vượt thu để đầu tư trở lại cho TP.HCM (và cả Hà Nội) cũng lớn hơn. Các khoản vay đầu tư nước ngoài cũng dành tỷ lệ lớn hơn cho TP.HCM vay lại để xây dựng các công trình hạ tầng lớn. Nhiều công trình của trung ương trên địa bàn; những công trình lớn như các tuyến đường cao tốc nối với các địa bàn lân cận sân bay, cảng biển… được NSTW đầu tư cũng vào khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng/năm. Cho dù TP.HCM không chi phối nguồn lực này, nhưng vì công trình xây dựng trên địa bàn nên được tính vào tổng đầu tư các công trình xã hội của thành phố và đó cũng là nguồn lực phát triển của TP.HCM.
Dĩ nhiên, nhu cầu phát triển của TP.HCM là rất lớn, nhưng NSTW cũng đã hỗ trợ lại thành phố để làm sao “số thực chi” không phải chỉ là 18% như chúng ta vẫn thấy. Trung ương và Chính phủ cũng luôn ủng hộ việc cần có cơ chế, chính sách thích hợp để các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM,... có thể đóng vai trò động lực, lan tỏa các địa phương khác. Trong thời gian tới, tỷ lệ điều tiết ngân sách, dự toán thu NSNN hằng năm của TP.HCM cũng cần phải được quan tâm tính toán hợp lý, thích hợp hơn.
Mặt khác, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trung ương đã dự kiến đầu tư từ nguồn vốn vay ODA cho các dự án tàu điện ngầm, chống ngập, xử lý môi trường cho TP.HCM. Trong đó, vốn cấp phát trên các hiệp định đã ký là khoảng trên 3 tỷ USD từ nay đến 2020, vốn cho vay lại gần 1 tỷ USD. Trung ương cũng đã hỗ trợ thành phố 10.000 tỷ đồng để xử lý chống ngập, hỗ trợ khoảng 8.800 tỷ đồng đầu tư hai bệnh viện tuyến cuối là bệnh viện nhi và bệnh viện ung bướu trên địa bàn thành phố…
. Theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc chúng ta tính toán lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM chưa?
+ Năm 2020 là năm cuối cùng trong giai đoạn ổn định ngân sách 2017-2020. Luật NSNN quy định rằng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ % nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.
Đến nay, mới chỉ có 16 địa phương điều tiết về NSTW, trong khi đó các nhiệm vụ quốc gia là rất lớn. Khi ngày càng có nhiều địa phương cân đối được ngân sách thì đương nhiên tỷ lệ điều tiết về NSTW của các địa phương khác sẽ thay đổi, trong đó có TP.HCM.
. Xin cám ơn Phó Thủ tướng.
Tạo điều kiện để TP.HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc
Chúng ta biết trong những năm trước và thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, TP.HCM luôn là nơi thử nghiệm các chính sách mới, thể chế mới. Lãnh đạo thành phố luôn là những người đề xuất các sáng kiến đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, các sáng kiến đổi mới kinh tế và đi đầu trong công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Với truyền thống năng động như vậy, cá nhân tôi rất hoan nghênh việc TP xây dựng đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.HCM.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 cũng xác định: “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để TP.HCM thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ”... Cụ thể là xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố, thực hiện từ năm 2015. Trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết thì hằng năm trung ương đã xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng thời ưu tiên các nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện để TP.HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước.
Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai tốt những nội dung của Nghị quyết 16. Ngay cả Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội cũng là một cú hích cần thiết để TP.HCM có điều kiện phát triển hơn, lan tỏa cho
cả nước.
Tôi vẫn mong rằng TP.HCM tiếp tục triển khai mạnh mẽ và nhanh hơn nữa những cơ chế mà Quốc hội đã nói rõ trong Nghị quyết 54. Bằng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể, TP.HCM cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập để tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn lực như Nghị quyết 54 đã mở ra.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ