Thành quả bước đầu của mô hình chuyển gửi người nghiện ma túy

Với mô hình chuyển gửi, người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn và đặc biệt, người nghiện ma túy được hỗ trợ thẻ bảo hiểm xã hội, chuyển gửi đi bệnh viện tâm thần điều trị nếu tổn thương thần kinh.

Hơn 1 năm, mô hình “Hỗ trợ, tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và Dịch vụ sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA) thí điểm tại 2 quận Nam Từ Liêm và Long Biên (Hà Nội) đã đạt được những hiệu quả bước đầu trong công tác giúp người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn cai nghiện.

Trao đổi với PV, anh Lê Trương Hà, cán sự phòng chống ma túy, điều phối viên phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, qua hơn 1 năm thí điểm mô hình “Hỗ trợ, tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tại 6 phường của hai quận là Nam Từ Liêm và Long Biên. Trong đó, quận Long Biên có 3 phường là phường Ngọc Thụy và Ngọc Lâm, Bồ Đề, đã đạt được những thành quả bước đầu.

Anh Hà tư vấn cho người nghiện ma túy

Anh Hà tư vấn cho người nghiện ma túy

Theo đó, từ ngày triển khai mô hình này, phường Ngọc Thụy đã chuyển gửi được 36 trường hợp và hỗ trợ vay vốn cho 1 trường hợp. Hơn 1 năm qua, mô hình chuyển gửi rất tốt, giúp người sử dụng ma túy có nhiều lựa chọn trong việc cai nghiện. Từ trước tới nay, những người nghiện đều được đưa lên cơ sở cai nghiện ma túy nhưng từ khi có mô hình chuyển gửi này, người nghiện ma túy có sự lựa chọn đi cơ sở cai nghiện hoặc cai nghiện tại nhà, sử dụng methadone thay thế. Đặc biệt, với những người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá… ảnh hưởng đến thần kinh thì được chuyển gửi sang bệnh viện tâm thần để điều trị.

Ngoài ra, mô hình này còn có hỗ trợ thẻ bảo hiểm cho người cai nghiện, có những người được hỗ trợ thẻ bảo hiểm 2 năm liền (2019-2020). Các ban ngành đoàn thể và trạm y tế cũng vào cuộc hỗ trợ tư vấn, khám sức khỏe cho người nghiện, thử viêm gan B, C, HIV, khám sức khỏe ban đầu. “Tôi thấy rất hữu ích và nên chia sẻ ra toàn thành phố”, anh Hà nói.

Trên địa bàn phường Ngọc Thụy, có một số anh em tiến bộ trong thời gian vừa qua như trường hợp anh N.T.L, SN 1967. Đầu năm 2019, anh Hà cùng cán bộ công an khu vực đã gặp gỡ anh L tuyên truyền tư vấn anh L nên cai nghiện tại gia đình. Thời điểm cai, trong 1-2 tuần đầu, được sự hỗ trợ tích cực từ cán bộ phường và người thân, anh L đã vượt qua những cơn thèm thuốc và rất mừng sau đó anh L cai được. Trong khoảng 1 tháng, anh L đã không sử dụng lại ma túy, không giao du với bạn bè.

Sau đó, anh Hà cùng cán bộ tư vấn viên của quận Long Biên đến hỗ trợ tìm công việc cho anh L và đã xin giúp anh vào làm bảo vệ trong một trung tâm thương mại. Gần 1 năm qua, anh L đi làm việc rất đều và gần Tết vừa qua, anh L phát hiện một trường hợp trộm nên đã gọi điện cho cơ quan chức năng bắt được tên trộm. Anh L được công ty biểu dương về tinh thần trách nhiệm với công việc. “Anh L bỏ được ma túy, có công việc ổn định, chăm chỉ làm ăn khiến bố mẹ anh rất mừng”, anh Hà nói.

Chia sẻ thêm về gương người sử dụng ma túy vươn lên, anh Hà cho hay, trường hợp anh N.N.T, SN 1983, trong thời gian vừa qua, anh T tái nghiện sử dụng lại ma túy. Anh T có vợ và 3 người con, gia đình là hộ nghèo ở phường. Anh T đã đi cai 1 lần nhưng sau đó tái nghiện và được tư vấn chuyển sang sử dụng methadone. Từ tháng 6-2020 đến nay, anh T tham gia đi uống rất đầy đủ và tham gia sinh hoạt nhóm tốt, phát biểu nhiều ý kiến tích cực. Từ hồi uống thuốc đều, anh T lên 7-8 cân và chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ vợ con. Gia đình anh T có sân bãi rộng, có thể để được 1-2 xe ô tô và đó cũng là nguồn thu nhập của gia đình. Cuối tháng 7 vừa qua, phường có quyết định chuyển hộ gia đình anh T từ nghèo sang cận nghèo.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-qua-buoc-dau-cua-mo-hinh-chuyen-gui-nguoi-nghien-ma-tuy-212050.html