Thành quả bước đầu trong chuyển đổi số ở TP Buôn Ma Thuột

Sau hơn 1 năm chuyển đổi số, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã đạt được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất việc chuyển đổi số toàn diện tại các xã, phường...

Hơn 1 năm sau khi ký kết về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2026, VNPT Đắk Lắk và UBND TP Buôn Ma Thuột đã phối hợp triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành trên toàn thành phố.

Người dân TP Buôn Ma Thuột làm thủ tục hành chính công. Ảnh: BT

Người dân TP Buôn Ma Thuột làm thủ tục hành chính công. Ảnh: BT

Thời điểm hiện tại, đã tạo lập và cung cấp các dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí...

Đại diện UBND TP.Buôn Ma Thuột thông tin, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố đã tiếp nhận 10.275 hồ sơ và giải quyết xong 10.119 hồ sơ.

Trong đó, giải quyết trước hạn là 9.219 hồ sơ, giải quyết đúng hạn là 726 hồ sơ. Tỉ lệ đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp liên quan đạt 100%.

Đây là một trong những thành quả bước đầu rất đáng khích lệ trong quá trình chuyển đổi số tại TP Buôn Ma Thuột.

Theo ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, dù địa phương đã đạt được những thành quả nhất định nhưng còn rất nhiều việc phải làm để chuyển đổi số sâu rộng, với quy mô toàn bộ các xã phường.

Chẳng hạn, việc đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị vẫn còn nhỏ lẻ chưa được đồng bộ, đặc biệt là UBND các xã một số máy tính cấu hình không đảm bảo để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố còn thiếu, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Tổ công nghệ số cộng đồng tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa phát huy được tính tiên phong trong việc triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ thông minh khi được triển khai trên địa bàn.

Ngoài ra, công tác an toàn thông tin còn tiềm ẩn nhiều rủi do, lộ lọt thông tin do kỹ năng khai thác và sử dụng mạng internet của người dùng còn hạn chế.

Ông Trần Đức Nhật cũng thông tin, trong thời gian tới thành phố sẽ triển khai xây dựng Trung tâm camera giám sát an ninh tại Công an thành phố, trong giai đoạn 1 đã tích hợp được hơn 454 mắt camera từ các phường, xã về để theo dõi, giám sát.

"Trong năm 2023, UBND thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng trên địa bàn cũng như thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh và xây dựng Cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ phục vụ cho việc quản lý thông minh", ông Nhật cho hay.

UBND TP Buôn Ma Thuột đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, kỹ thuật cao về làm việc, công tác tại các huyện, thị xã, thành phố.

Hiện TP Buôn Ma Thuột đang có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi và Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động ở các cơ sở, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn thành phố.

.

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thanh-qua-buoc-dau-trong-chuyen-doi-so-o-tp-buon-ma-thuot-2188136.html