Thành quả nhỏ giúp tránh thất bại lớn

Bước đi nhỏ đồng nghĩa với tiến triển chậm trong công cuộc bảo vệ khí hậu Trái đất của thế giới.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Xưa nay, các hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) về bảo vệ khí hậu Trái đất (COP) như COP29 năm nay ở thủ đô Baku của Azerbaijan luôn là sự kiện lớn của thế giới.

Gần như tất cả các thành viên của LHQ đều tham gia. Rất nhiều vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước trên thế giới trực tiếp hiện diện và phát biểu. Thường có đến hơn 2.000 đại biểu tham dự và gần như hội nghị lần nào cũng được kéo dài sau thời gian đã ấn định từ trước là hai tuần và sự nhất trí về tuyên bố chung bao hàm kết quả hội nghị luôn chỉ đạt được vào phút cuối. COP29 năm nay ở Baku cũng như vậy.

Hội nghị này được coi là thành công khi đưa ra được tuyên bố chung. Nhưng thực chất thành công ở đây lại chỉ ở chỗ hội nghị đã không bị thất bại. Sự nhất trí giữa các bên tham gia chỉ ở mức độ tối thiểu trong khi sự bất đồng quan điểm vẫn rất sâu rộng và nghiêm trọng.

Tại hội nghị năm nay, các nước phát triển cam kết trong thời gian 10 năm tới mỗi năm đóng góp 300 tỷ USD cho công cuộc bảo vệ khí hậu Trái đất của LHQ, nhiều hơn gấp 3 lần mức độ cam kết ở các hội nghị trước đấy, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu được các nhà khoa học đưa ra. Việc ngừng sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch được nhất trí ở các hội nghị trước thì giờ lại không được đề cập đến.

Cam kết đóng góp tài chính vẫn chỉ chung chung chứ chưa được phân bổ cụ thể mà vẫn trên cơ sở tự nguyện nên phần lớn các bên đã cam kết đóng góp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầy đủ.

Cách thức vận hành sự kiện của nước chủ nhà bị nhiều đoàn từ các nước đang phát triển và nghèo phê phán khi đề cao nguồn tài nguyên dầu mỏ, đồng thời đi đêm với Ả-rập Xê-út để loại bỏ ra khỏi dự thảo bản tuyên bố chung những nội dung hay đề cập bất lợi cho họ.

Bước đi nhỏ đồng nghĩa với tiến triển chậm trong công cuộc bảo vệ khí hậu Trái đất của thế giới. Những cam kết đóng góp tài chính vốn chưa đáp ứng được nhu cầu mà việc thực hiện lại chưa đầy đủ nên việc triển khai các dự án, chương trình cụ thể trên nhiều phương diện khác nhau nhằm chống biến đổi khí hậu cho đến nay không thể triệt để và nhất quán, không thể đồng bộ, hiệu quả.

Hội nghị COP29 lần đầu tiên đề cập đồng thời việc tăng cam kết đóng góp tài chính với việc mở rộng diện các nền kinh tế có trách nhiệm cam kết đóng góp cho công cuộc bảo vệ khí hậu của cả thế giới, nhằm trước hết vào Trung Quốc và Ả-rập Xê-út.

Sau 29 lần được tổ chức, khuôn khổ diễn đàn hội nghị như thế này vẫn giữ được ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu ứng thiết thực của nó, tức là vẫn rất cần thiết, cần được duy trì đối với thế giới trong tương lai; vẫn giữ được vai trò đi tiên phong và tập hợp được các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phục vụ đắc lực cho công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Nhưng Hội nghị COP29 cũng lại cho thấy khuôn khổ diễn đàn này không thể cứ như thế mãi mà cần được nhanh chóng cải tổ, đổi mới hoặc sửa đổi để các kết quả của hội nghị có tính ràng buộc cao hơn, để chương trình nghị sự bao quát hơn; diễn biến hội nghị thực sự dân chủ và minh bạch hơn.

Qua đó làm cho kết quả của hội nghị thiết thực hơn, có tính khả thi cao hơn và quá trình thực hiện cụ thể những kết quả của hội nghị có thể được vận hành, quản lý, giám sát tốt hơn.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thanh-qua-nho-giup-tranh-that-bai-lon-post710018.html