Thành quả, thách thức

Trong khi Trung Quốc đang chờ đón thành quả về dự án đường sắt được đề xuất nối tỉnh Côn Minh của nước này đến 2 cảng của Myanmar, Ấn Độ lại như ngồi trên đống lửa. Theo các nguồn tin của tờ Economic Times ra ngày 26-12, New Delhi đang theo dõi chặt chẽ dự án quan trọng này của Bắc Kinh vì nó gần với cảng Sittwe do Ấn Độ tài trợ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh New Delhi cũng đang có kế hoạch kết nối các hành lang trong khu vực Vịnh Bengal như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tập đoàn kỹ thuật đường sắt Nhị Viện Trung Quốc (CREEC) gần đây đã khảo sát về tuyến đường sắt Muse-Mandalay-Kyaukphyu, một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lớn hơn trong khu vực. Hồi tháng 10, Myanmar đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về dự án. Dự kiến đây sẽ là một trong những dự án đường bộ và đường sắt lớn nhất ở quốc gia Đông Nam Á có chung biên giới trên bộ và trên biển với Ấn Độ này. Nhưng đã có những lo ngại rằng, dự án kết nối đến các cảng Kyaukphyu và Yangon nêu trên có thể biến thành một “Hambantota” (cảng của Sri Lanka) thứ hai và Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát các cảng trong tương lai nếu Myanmar không kiếm đủ doanh thu từ dự án.

Đó là lý do thật sự khiến Ấn Độ lo lắng. Hiện Trung Quốc đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng hành lang CMEC nhằm tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận khu vực Vịnh Bengal, trong bối cảnh New Delhi cũng đang triển khai Hành lang kinh tế Đông-Tây để kết nối các khu vực của Đông Nam Á với Ấn Độ. Dự án Hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm xây dựng một khối kinh tế lớn dọc theo tuyến đường bộ dài 1.700 km từ Việt Nam đến Myanmar, đi qua Lào và Thái Lan, từ đó, các quốc gia Đông Nam Á có thể tiếp cận Ấn Độ qua Vịnh Bengal.

Dự án này được xem là một thách thức lớn với New Delhi. Bởi trên thực tế, trong những năm qua, cả Trung - Ấn đang tập trung chiến lược tại quốc gia Myanmar, để từ đó có thể mở rộng hơn nữa mối quan hệ khắp Đông Nam Á. Khi chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang kéo dài thông qua Myanmar để đến Nam Á và hướng tới Ấn Độ Dương, “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ lại nhắm đúng vào khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_218215_thanh-qua-thach-thuc.aspx