Thanh Sơn: Đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

PTĐT - Xác định 'đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM)' là khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Sơn đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng toàn huyện, đặc biệt là khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Cự Thắng - Cự Đồng (thuộc CT 229) đang được Công ty CP xây dựng Hợp Lực tích cực triển khai thi công.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Cự Thắng - Cự Đồng (thuộc CT 229) đang được Công ty CP xây dựng Hợp Lực tích cực triển khai thi công.

PTĐT - Xác định “đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM)” là khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Sơn đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng toàn huyện, đặc biệt là khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi.
Năm 2019 là năm thứ 4 huyện Thanh Sơn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015- 2020. Đây được coi là năm “nước rút” để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết. Với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Thanh Sơn, việc chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc trong thực hiện xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng. Thời gian qua, huyện đã tập trung thu hút nguồn lực đầu tư dưới mọi hình thức, đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Huyện chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả huy động các nguồn lực tại chỗ thông qua cấp, đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án của bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xử lý vướng mắc để các dự án sớm được triển khai, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư… Chỉ riêng năm 2019, Thanh Sơn đã triển khai thực hiện 123 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có 53 dự án chuyển tiếp và 70 dự án xây dựng mới với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động chủ yếu từ ngân sách Trung ương, các chương trình mục tiêu Quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM với mức đầu tư đạt trên 772,3 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp tỉnh đạt trên 56,7 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã đạt trên 113,7 tỷ đồng và nguồn vốn huy động sự nghiệp giáo dục trên 36,2 tỷ đồng. Tính đến hết quý III, khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành trên địa bàn đạt giá trị trên 637,2 tỷ đồng; giá trị giải ngân, thanh toán vốn đạt trên 612,3 tỷ đồng. Trên cơ sở nhu cầu hạ tầng của các địa phương, Thanh Sơn ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế, trong đó xác định kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò “xương sống”, huyện đã tập trung phân bổ nguồn vốn, triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, trục xã, liên xã… đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi kết nối, giao lưu trao đổi hàng hóa giữa địa phương với các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các công trình hạ tầng khác cũng đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp… Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 65%. Một số công trình hạ tầng kinh tế quan trọng, mang tính chiến lược đang được triển khai như: Dự án đường giao thông liên huyện Thanh Thủy-Thanh Sơn (giai đoạn I); cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện Thanh Sơn (tỉnh lộ 316 Tân Lập - Yên Lương - Yên Sơn) huyện Thanh Sơn; cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Cự Thắng - Cự Đồng (thuộc CT 229); phát triển hạ tầng khung xã Địch Quả, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; cải tạo, nâng cấp đường từ cầu 30/4 đi Soi Cả, xã Sơn Hùng; hạ tầng khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn…Cùng với đầu tư hạ tầng kinh tế, phát triển hạ tầng xã hội cũng được huyện quan tâm, chú trọng. Mạng lưới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất thiết yếu theo tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia. Qua đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ dần được hình thành, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH tổng thể trên địa bàn huyện đến năm 2020. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng còn một số hạn chế, vướng mắc như số lượng công trình được đầu tư còn bị dàn trải; hạn chế về vốn; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều tuyến chưa đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ GT&VT và tiêu chí NTM. Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chưa dứt điểm, công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch các dự án còn chậm, khối lượng công trình hoàn thành còn thấp so với kế hoạch đề ra… Nguyên nhân chủ yếu là do Thanh Sơn có địa hình miền núi phức tạp, bị chia cắt bởi núi đồi, sông suối, thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão, gây mưa lũ, sạt lở đất, khiến nhiều công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa khu dân cư… bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, làm gia tăng chi phí đầu tư, đặc biệt là các công trình đang thi công dang dở, chưa hoàn thiện. Là huyện có địa bàn rộng, song khoảng cách giữa các xã khá xa, mật độ dân cư thưa thớt, mức sống của người dân chưa cao, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó nguồn vốn huy động đầu tư phát triển hạ tầng trong dân còn hạn chế. Mặt khác, còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, gây khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, làm kéo dài thời gian thi công công trình.Để nâng cao hiệu quả của chương trình, tới đây huyện Thanh Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực... Bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, thời gian tới, huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kết cấu hạ tầng; tiếp tục huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dưới mọi hình thức. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH theo tiêu chí xây dựng NTM; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời quản lý tốt nguồn vốn, dựa trên nguồn vốn đã được bố trí, huyện tập trung cân đối, phân bổ hợp lý, phù hợp với nhu cầu và thực tế tại các địa phương nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng trên địa bàn. Chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đang dở dang, các dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn theo từng giai đoạn đã được phê duyệt. Đối với các dự án mới, huyện sẽ lựa chọn những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, đảm bảo thi công đúng thời hạn quy định; quản lý chặt chẽ quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đảm bảo phát huy hiệu quả công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận từ phía người dân trong thực hiện giải phóng mặt bằng tạo điều kiện công tác thi công…

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201910/thanh-son-dau-tu-ket-cau-ha-tang-tao-da-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-167471