Thanh Sơn phát triển các HTX Nông nghiệp

PTĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện có 26 HTX và hàng chục tổ hợp tác đang hoạt động trong các ngành: nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, vệ sinh môi trường...

HTX Thịt chua Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn luôn quan tâm, chú trọng đảm bảo các khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến và đóng hộp sản phẩm.

HTX Thịt chua Thanh Sơn, thị trấn Thanh Sơn luôn quan tâm, chú trọng đảm bảo các khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến và đóng hộp sản phẩm.

PTĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện có 26 HTX và hàng chục tổ hợp tác đang hoạt động trong các ngành: nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải, tín dụng… Năm 2020, tổng doanh thu của các HTX đạt trên 45 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 390 triệu đồng/HTX; số lượng lao động thường xuyên trong các HTX hiện khoảng gần 2.500 người với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Dưới sự điều hành của Ban đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Thanh Sơn, các HTX trên địa bàn huyện đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; phát triển thêm các lĩnh vực mới, cách làm mới để hỗ trợ xã viên và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thêm nguồn thu từ dịch vụ. Đặc biệt, thời gian qua các HTX dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi đã tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển kinh tế trang trại, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

HTX Chăn nuôi An Phú, xã Địch Quả chú trọng phát triển theo hướng chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đáp ứng các quy định của Luật HTX 2013 trong phát triển kinh tế tập thể.

HTX Chăn nuôi An Phú, xã Địch Quả chú trọng phát triển theo hướng chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đáp ứng các quy định của Luật HTX 2013 trong phát triển kinh tế tập thể.

Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể tỉnh, Luật HTX 2013, huyện Thanh Sơn đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo cấp huyện, rà soát lại hoạt động của các HTX và xây dựng kế hoạch giải thể một số HTX hoạt động kém hiệu quả; tập trung đầu tư phát triển những HTX có hiệu quả. Trên cơ sở triển khai “chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP)”, huyện đã lựa chọn một số HTX có những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương để đầu tư, xây dựng thương hiệu và nhân rộng mô hình, thúc đẩy kinh tế tập thể của toàn xã phát triển.

Trong năm qua, nhiều mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ KHKT có hiệu quả được huyện chú trọng nhân rộng, từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung như sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 2.070ha; nâng cao diện tích chè chất lượng cao trên 500ha, bước đầu xây dựng thương hiệu chè Thanh Sơn, gắn với củng cố các HTX chè trên địa bàn; xây dựng 2 HTX chè Văn Miếu và HTX chè Cẩm Mỹ sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện xây dựng thương hiệu, gắn tem nhãn đối với sản phẩm chuối phấn vàng, gà thả vườn; thâm canh chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt trên 1.000ha; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo mô hình trang trại, HTX; giao đất 5% cho các HTX…
Nhiều HTX đã có sự chuyển mình, làm ăn có hiệu quả như: HTX Thịt chua Thanh Sơn, HTX Chăn nuôi An Phú, HTX Chè Võ Miếu, HTX chè xanh Cẩm Mỹ, HTX chè Văn Miếu… Ông Phạm Quốc Tuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú (xã Địch Quả, đơn vị chuyên chăn nuôi giống gà ri Lạc Thủy) cho biết: HTX đang thử nghiệm chương trình OCOP trên hai trang trại gà đang được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời thực hiện các biện pháp để mở rộng quy mô chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

HTX chè an toàn Võ Miếu tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thời gian sử dụng sản phẩm góp phần mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

HTX chè an toàn Võ Miếu tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thời gian sử dụng sản phẩm góp phần mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế tập thể trong thời gian tới, Thanh Sơn xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể, đồng thời xác định rõ trách nhiệm đối với chính quyền cấp huyện và cấp xã. Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của nhà nước như: chính sách về đất đai, tài chính tín dụng và hỗ trợ tiếp thị mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX bằng các hình thức dài hạn, ngắn hạn để nâng cao kiến thức quản lý kinh tế cho ban quản trị HTX, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới; hướng dẫn các HTX mở thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ, xây dựng các HTX kinh doanh tổng hợp về điện, thủy lợi, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tín dụng… nhằm tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tập thể thực sự đổi mới, phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202105/thanh-son-phat-trien-cac-htx-nong-nghiep-177151