Thanh Sơn quan tâm thực hiện chính sách dân số

Xác định đầu tư cho nguồn lực con người là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, những năm qua, huyện Thanh Sơn đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, tập trung triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhờ đó, công tác dân số và phát triển đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng dân số ngày càng nâng cao, giảm dần tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, hướng tới ổn định quy mô dân số.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số ở xã Võ Miếu.

Xã miền núi Yên Sơn có địa bàn rộng, dân cư đông với hơn 7.500 nhân khẩu. Những năm trước, tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ vi phạm chính sách dân số không phải chuyện hiếm ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn này. Nhiều gia đình mặc dù lo cho cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng vì tư tưởng lạc hậu vẫn đẻ dầy, đẻ nhiều. Nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, hướng đến thực hiện đúng chính sách dân số, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) dân số xã xác định truyền thông giáo dục là nhiệm vụ quan trọng. Với 12 CTV dân số, trong đó nhiều người có trình độ y, dược đã tích cực bám nắm tình hình biến động dân cư và tư tưởng của người dân để kịp thời tuyên truyền, thuyết phục. Các hoạt động truyền thông được duy trì với nhiều hình thức tư vấn. Ban Chỉ đạo dân số xã thường xuyên phối hợp với Trạm y tế tổ chức tuyên truyền vận động chị em làm dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ định kỳ. Đồng chí Trần Thị Kim Loan - Viên chức Trạm y tế phụ trách công tác dân số/KHHGĐ và truyền thông giáo dục sức khỏe xã cho biết: “Qua các buổi tiêm chủng và khám thai định kỳ cho chị em phụ nữ tại Trạm y tế, cán bộ dân số thường lồng ghép truyền thông về các chính sách dân số. Việc đổi mới hình thức truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội: Tiktok, Facebook, Zalo cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2024, xã không có trường hợp cán bộ đảng viên sinh con thứ ba trở lên. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên giảm 3 trẻ so với năm 2023; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn trên 16%; chất lượng cuộc sống người dân dần được cải thiện”.

Người cao tuổi trên địa bàn huyện được nhân viên y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao tuổi thọ.

Người cao tuổi trên địa bàn huyện được nhân viên y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao tuổi thọ.

Xác định truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác dân số và phát triển, năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép các buổi truyền thông tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản, nghị quyết liên quan đến thực hiện chính sách dân số. Qua đó, các xã, thị trấn đã viết, phát thanh trên 1.100 lượt tin, bài và tổ chức 136 buổi họp nhóm nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng về CSSK người cao tuổi, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Trong năm, Trung tâm đã tổ chức 45 buổi truyền thông lồng ghép khám tư vấn khám sức khỏe cho người cao tuổi, nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh, Ban quản lý Đề án 818 tổ chức 22 buổi truyền thông lồng ghép khám sức khỏe miễn phí cho phụ nữ, nam giới và người cao tuổi...

100% phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện được chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ trước và sau sinh.

100% phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện được chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ trước và sau sinh.

Thanh Sơn có 60% đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 của Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trong những năm qua đã kịp thời động viên, khuyến khích phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo trong huyện sinh con đúng chính sách dân số. Riêng năm 2024, huyện Thanh Sơn đã thực hiện chi hỗ trợ cho 8 phụ nữ đủ điều kiện hưởng. Sau khi nhận hỗ trợ, các hộ cam kết không vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.

Để nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên, phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc dị tật, tăng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, ngành Y tế huyện thực hiện các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống thiếu vitamin A, chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi... góp phần nâng cao chất lượng dân số. Năm 2024, toàn huyện giảm 10 trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2023. 100% phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén và trên 95% số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế. Một bộ phận Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự gia tăng dân số, mất cân bằng giới tính và sinh con thứ 3 trở lên có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội, môi trường; công tác truyền thông dịch vụ còn gặp khó khăn; phương tiện tránh thai miễn phí không có, mức sinh hàng năm chưa ổn định... Khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trên không chỉ cần sự nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác dân số mà còn rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức mỗi người dân.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thanh-son-quan-tam-thuc-hien-chinh-sach-dan-so-225282.htm