Thanh Thanh Hiền và các con không có khoảng cách
Điều đầu tiên Thanh Thanh Hiền làm khi thấy con trong điện thoại là nở nụ cười tươi để con không ngại, nhắc con ăn uống, gội đầu... như khi con đang ở nhà.
Thanh Thanh Hiền bên hai con gái Tú Linh (bìa trái), Thái Phương (bìa phải). Nữ nghệ sĩ nổi tiếng qua các tiểu phẩm kết hợp cùng nghệ sĩ Xuân Hinh và có khả năng hát nhiều dòng nhạc.
Ở tuổi 52, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền cảm thấy may mắn vì có hai cô con gái là bạn thân. Con gái lớn của chị là Tú Linh (tên ở nhà là Nhím), sinh năm 1999 và con gái út Thái Phương (tên ở nhà là Tấm), sinh năm 2003. Khi còn học phổ thông, Tú Linh là hoa khôi trường THPT Phạm Hồng Thái và đang du học trường Đại học Maryland, Mỹ khoa khoa học máy tính, đạt Giải ưu tú về môn Toán học, thường xuyên nhận các thư khen ngợi từ hội đồng giáo sư ở trường Đại học. Còn con gái út Thái Phương của chị đang theo học đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hồi 6 tuổi, Thái Phương đã được học ca trù và năm 2016 trở thành ca nương trẻ nhất giành giải nhất Liên hoan ca trù Hà Nội.
- Không chỉ có sự nghiệp ca hát thành công mà chị còn khiến nhiều người nể phục khi có hai cô con gái xinh đẹp, giỏi giang. Lúc con gái lớn Tú Linh đạt giải hoa khôi của trường THPT Phạm Hồng Thái, chị có cảm xúc và suy nghĩ ra sao?
- Con gái tôi - Tú Linh đăng ký và may mắn đạt giải hoa khôi trường THPT Phạm Hồng Thái khi đang học lớp 12. Từ đầu cuộc thi, tôi muốn con tự đứng bằng đôi chân của mình và tôi sẽ chỉ là người ở sau tiếp sức để con hoàn thành tốt phần thi. Trong vòng đầu tiên con thi hát dân ca miền Tây, tôi cho con mượn áo bà ba tôi có sẵn; vòng hai con thi piano, vừa đệm đàn vừa hát do đã có 8 năm theo học loại đàn này, còn tôi tiếp sức bằng cách bố trí được đàn piano trên sân khấu cho con.
Vượt qua vòng loại, con thắc mắc: "Mẹ ơi, tất cả các bạn đều có phụ huynh tới chăm. Sao mẹ không đến với con?". Tôi đáp: "Mẹ không đến vì mẹ là người của công chúng, chưa chắc đã là tốt". Tôi không mang vai trò người mẹ đến đấy vì có thể gây áp lực, làm con phải suy nghĩ về những lời bàn tán từ người khác. Nhưng tôi hứa là người đầu tiên đến dự đêm chung kết làm khán giả nếu con may mắn bước tiếp.
Hôm chung kết, tôi hồi hộp khi con mình lọt dần vào top 3 và thắng giải vì có câu trả lời ứng xử hay nhất. Đêm đấy, các bạn ùa vào công kênh con nên tôi không gặp được con mà con cũng không gặp được mẹ. Cuối cùng, tôi đi về nhà mà chẳng kịp chụp hình với con cái nào (cười).
Thanh Thanh Hiền nhận xét tính cách con giống mình khoảng 60-70%, khác ở chỗ con bảo vệ quan điểm, cố gắng tìm ra chân lý tới cùng.
- Tú Linh từng học piano 8 năm và cho thấy tố chất nghệ thuật giống mẹ khi thể hiện tốt các phần thi tài năng ở cuộc thi hoa khôi như chị kể. Nhưng lý do gì khiến em ấy quyết định học ngành không liên quan nghệ thuật?
- Bố Tú Linh lẫn tôi đều muốn con tự quyết định tương lai bản thân. Còn chúng tôi sẽ hỗ trợ, đầu tư cho con chứ không áp đặt con học một thứ con không thích. Khi con nói muốn du học thì tôi đầu tư, chuẩn bị tài chính hoàn toàn để con có thể đi học được.
Lúc tôi chọn xong trường cho con, con còn chưa biết nên học ngành nào nên tôi tư vấn con chọn nghề theo ý thích của con. Cuối cùng, con nói với tôi sẽ theo học khoa học máy tính. Con giải thích: "Con nghĩ kỹ rồi, làm nghề mà để sống tốt bằng đúng nghề của mình giống như mẹ thì chỉ điểm trên đầu ngón tay. Con biết con không được như thế nên con phải đổi sang nghề này. Con nghĩ là con học được cái nghề này, sẽ cho con công việc giúp cuộc sống của con tốt hơn".
- Lúc con đi du học xa nhà, chị từng dặn dò con điều gì?
- Tôi không có những cuộc trò chuyện theo kiểu nói chuyện để chốt. Mỗi một ngày tôi nói với con một điều thôi và biến những cái điều tôi dặn con thành lời nhắn nhủ chứ không phải là nhồi vào con những điều mà con buộc phải làm. Tôi biết khi mình nói với con, có thể con sẽ không làm vì có thể con không nhớ. Nếu con không làm, tôi lại nói tiếp. Mỗi ngày "mưa dầm thấm lâu", con sẽ nhớ những điều đấy là bởi vì mẹ nói thế.
- Khi con đi du học, chị thấy ở con có điều gì đổi khác?
- Lúc mới sang Mỹ, con còn nhút nhát. Nhưng chỉ sau 6 tháng, 1 năm... mỗi một lần tôi sang Mỹ thăm con, con lại trưởng thành hơn. Tôi không nói được tiếng Anh, Thái Phương (con gái út của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền - PV) và các bạn của tôi đi cùng cũng thế, mọi người đều bỡ ngỡ với nơi đất khách quê người. Khi đó, Tú Linh là người lo lắng hết cho chúng tôi về các chuyến đi không chỉ ở nơi con đang sống mà cả các bang khác, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, làm thông dịch viên cho cả đoàn. Con rất kiên nhẫn với mọi câu hỏi. Tôi thậm chí có thể hỏi con cùng một vấn đề tới 5 lần mà con vẫn nhẫn nại, ân cần chỉ cho tôi tới khi hiểu, làm được thì thôi. Con cũng bạo dạn hơn khi tham gia các công tác xã hội, hay giúp đỡ người khác và còn dạy Toán cho nhiều bạn bè, học viên khóa dưới.
Mặt khác, tôi nghĩ khi con du học, con sẽ luôn có cảm giác nhớ nhà, nhớ cha mẹ, bạn cũ. Các thói quen đã có ở Việt Nam thì sang đấy cũng phải thay đổi. Đơn giản như chuyện ăn quà vặt, lũ trẻ nhiều lúc chỉ cần í ới nhau, ra đầu đường là có thể gặp nhau cùng ăn uống. Nhưng ở bên kia, có khi đi học cả cây số còn không nhìn thấy người. Nói chung là nhiều thứ lắm mà phải tự trải nghiệm mới biết.
- Một vấn đề khác mà các bậc phụ huynh lo lắng khi con du học là con trở nên xa cách mình do khoảng cách địa lý. Còn chị đối mặt với vấn đề này như thế nào?
- Bây giờ dễ rồi, công nghệ mở, thế giới phẳng, điều quan trọng là chúng ta có nhớ đến nhau, có dành thời gian cho nhau hay không. Tôi nghĩ các phụ huynh hãy nói chuyện với con nhiều hơn, nói sao cho con có cảm giác là vẫn đang được ở cạnh mình.
Các cuộc nói chuyện của mẹ con tôi không có khoảng cách địa lý, để con cảm thấy như đang ở nhà. Tôi luôn đề ra mốc là ít nhất trong một ngày có 5-10 phút nói chuyện với con vào buổi sáng ở Việt Nam nghĩa là buổi tối trước khi con đi ngủ.
Những câu chuyện mà tôi nói với con là những điều thường xuyên xảy ra, hiện hữu trong cuộc sống. Ví dụ tôi nhắc: "Con ơi, con đi gội đầu đi" hoặc bảo con bê cơm xuống bàn ăn chứ không ăn ở bàn làm việc. Đó là các câu mà thoạt nghe thì buồn cười. Mọi người có thể hỏi tại sao hai mẹ con cách nhau xa xôi thế mà gọi điện lại nhắc nhau chuyện đó. Nhưng thực tế chuyện này rất gần gũi mà khiến con không có cảm giác đang xa mình.
Có khi tôi chỉ nói video call 2 phút thôi là phải đi làm ngay. Tôi có thể vừa thay đồ vừa nói chuyện với con kiểu như: "Con ơi, mẹ có 2 phút nói chuyện với con nhé". Tôi luôn nói với con điều mình chuẩn bị làm để con không có cảm giác xa nhà, vẫn nắm bắt được công việc của mẹ, thời khóa biểu của mẹ. Hôm nay tôi nhận lời phỏng vấn với Ngoisao.net và cũng thông báo với con, hỏi con là sẽ sử dụng một vài hình ảnh của con và con đồng ý ngay. Tôi rất tôn trọng con và không muốn con phải bất ngờ.
Con tôi hay tâm sự mong nghe điện thoại của mẹ bởi vì biết rằng mở đầu cuộc điện thoại luôn là những nụ cười. Tú Linh còn nói: "Mẹ ơi, sao con mê mẹ cực, mẹ là ổ cười của con đấy". Khi bắt điện thoại với con, tôi luôn tươi cái đã để con không ngại, không sợ. Tôi thấy một số người thi thoảng gặp con, nói chuyện với con nhưng lại hỏi ngay những vấn đề nhạy cảm khiến cuộc nói chuyện bị căng thẳng và không còn là cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nữa. Thế nên khi phụ huynh gọi đến, các con lại sợ không nghe và lần sau lấy cớ bận để gác máy.
- Ngoài quan tâm tới sinh hoạt thường ngày của con, chị còn nhắn nhủ con điều gì về học tập lẫn chuyện tình yêu?
- Lúc đầu, hai mẹ con tôi dự tính con học 4 năm chứ chưa chọn ngành học 5 năm như hiện tại. Lúc đó, tôi nói: "Con chỉ có 4 năm tuổi vàng này để học và nó chỉ diễn ra một lần trong cuộc đời. Hãy sống một cách chi tiết nhất, hưởng thụ nó, đừng để phí. Từng ngày, con hãy thẩm thấu, hưởng thụ việc học cho sung sướng bởi vì nó không quay trở lại nữa". Vì thế, Tú Linh luôn tập trung chuyện học. Nếu con có yêu thì chuyện đó để sau.
Từ khi con gái du học, Thanh Thanh Hiền cố gắng sang Mỹ gặp con 2 lần mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, nghỉ đông của Tú Linh nhưng vì Covid-19 nên hơn 1 năm qua, quy ước này bị phá vỡ. Hiểu khó khăn của mẹ nên Tú Linh càng thương mẹ hơn.
- Trong năm vừa qua, cả thế giới lao đao vì dịch Covid-19 và Mỹ - nơi con gái chị theo học, nhiều lần trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Lúc đó, con gái chị đã tồn tại ở đất Mỹ như thế nào?
- Khi bùng dịch, xu hướng chung là du học sinh về nước vì về sẽ có gia đình và nước mình còn chống dịch tốt. Nhưng tôi không cho con về. Đây là quyết định dễ dàng với tôi từ ban đầu và đến tận bây giờ.
Tôi phân tích cho con: "Nếu con không về Việt Nam, con sẽ rất buồn, cô đơn vì không được đến trường, tách biệt với mọi người nhưng mẹ quyết định để con không về vì không dễ gì để tìm được chuyến bay giải cứu. Giả sử tìm được, con phải trung chuyển, làm thủ tục tại các nước có dịch sẽ rất nguy hiểm. Biết đâu lúc này con bị nhiễm bệnh. Khi đấy, con về nước là tạo thêm một gánh nặng cho nhà nước, chính phủ, nền y tế...".
Cuối cùng, tôi khuyên con bảo vệ mình bằng cách ở yên một chỗ. Con đang học rất giỏi và sự hạn chế đi lại vì virus không làm ảnh hưởng đến việc học. Tôi không muốn con bỏ học một ngày nào. Tôi cũng nghĩ tới chuyện nếu con về nước sẽ làm đứt mạch học, giảm nhiệt huyết và có thể gặp cám dỗ, muốn ở lại nước. Hoặc khi con muốn đi du học tiếp thì quay trở lại Mỹ rất khó khăn, gặp trở ngại để bắt kịp giáo trình môn học.
- Còn bố Tú Linh đã có phản ứng nào trước quyết định này của chị?
- Trong chuyện này, bố Tú Linh rất lo lắng, cũng muốn con về nước giống các bạn. Tuy nhiên, điều này do anh chưa sang thăm con, chưa biết môi trường con sống mà chỉ nghe kể. Còn tôi là người đã sang, đã biết môi trường của con, ở cùng con thời gian dài tại Mỹ nên hiểu sâu hơn, bảo vệ quan điểm của mình tới cùng và thuyết phục được anh để con ở lại mà bố không quá lo. Nếu không, anh ấy cũng sẽ lan tỏa điều lo lắng ấy cho con, làm ảnh hưởng đến tinh thần của con. Ngoài điều này, chúng tôi sẽ cùng trao đổi khi cuộc sống của con có những bất thường để cùng con giải quyết vấn đề.
- Chỉ còn 1 năm nữa, Tú Linh sẽ kết thúc việc học, còn Thái Phương cũng đang theo đuổi nghệ thuật. Chị có mong ước gì ở hai con gái trong tương lai?
- Tương lai của Tú Linh có thể có sự thay đổi vì điều đó nằm trong tay bạn ấy. Con có thể ở lại lập nghiệp ở Mỹ hoặc về Việt Nam. Con từng tâm sự với tôi là muốn học xong sẽ về cống hiến cho đất nước. Còn tôi khuyên con: "Cuộc đời là của con, mẹ không sống hộ con được nên chỗ nào cho con một công việc tốt, một tương lai tốt thì con chọn. Nếu con quyết định về nước, mẹ sẽ dang hai tay chào đón con. Con chọn thế nào cũng được miễn là con phải thấy rằng cuộc sống của con OK".
Còn khi tôi không còn hát được nữa, chuyển sang giảng dạy chẳng hạn thì tôi mong Thái Phương sẽ thay tôi đến với công chúng bằng chính tài năng của con, tiếp tục duy trì văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Tôi nghĩ con sẽ còn giỏi hơn tôi vì con hát được nhiều dòng nhạc, biết hát xẩm, cải lương, nhạc dân gian và chơi được nhạc cụ đàn bầu, trống. Tôi hy vọng con là truyền nhân của mình, mang lại lời ca, tiếng hát cho cuộc đời.
Theo Ngôi sao