'Thành tích buồn' của Ukraine: Mất 5 xe tăng Leopard 2 chỉ trong một tuần
Đây là mức tổn thất khá cao và diễn ra trong thời gian ngắn, bởi trong suốt 13 tuần của chiến dịch phản công năm ngoái, Ukraine chỉ để mất 5 chiếc Leopard 2.
Theo Bulgarian Military, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thông báo rằng, trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 17/5, Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) đã mất 5 xe tăng Leopard 2A1 do Đức sản xuất. Trong cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng, Ukraine cũng đã mất 13 xe chiến đấu bọc thép, 55 xe cơ động các loại, một xe chiến đấu Grad MLRS và 47 khẩu pháo dã chiến, trong đó có 22 khẩu do nước ngoài sản xuất.
Trong vòng một tuần, quân đội Nga cho biết, lực lượng tên lửa, pháo binh và UAV của họ đã phá hủy 4 chiếc Mi-24 ngay tại bãi đáp trực thăng và khoảng 40 tàu không người lái tại kho chứa.
Tổn thất của Leopard 2 ở Ukraine
Trong số các xe tăng do phương Tây cung cấp, thì xe tăng Leopard do Đức sản xuất là loại được Quân đội Ukraine sử dụng nhiều nhất, nguyên nhân chính là bởi Leopard là loại xe tăng được viện trợ với số lượng lớn nhất. Các nguồn tin Ukraine cho biết, có hơn 100 xe tăng Leopard phiên bản 2 đã được chuyển giao cho quân đội nước này. Theo các nguồn tin khác, có khoảng 200 xe tăng Leopard dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao tới Ukraine nhưng là phiên bản 1.
Giữa tháng 8/2023, Ukraine chỉ vận hành 71 xe tăng Leopard 2. Vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn nhằm giành lại những khu vực đang bị các lực lượng Nga kiểm soát. Tuy nhiên, chiến dịch này đã thất bại.
Theo các nhà phân tích phương Tây, kể từ khi bắt đầu mở chiến dịch phản công cho đến ngày 28/8, quân đội Ukraine đã để mất 5 xe tăng Leopard 2, nhưng trong khoảng thời gian là 13 tuần. Còn theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga mới đây thì Ukraine đã để mất 5 chiếc Leopard 2 chỉ trong vòng 1 tuần, đây là một thành tích đáng báo động.
Điểm khác biệt của Leopard 2
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại trên chiến trường, nhưng những đơn vị thiết giáp được trang bị xe tăng Leopard 2 của Ukraine vẫn được đánh giá cao, ít nhất là hơn những chiếc xe tăng có từ thời Liên Xô trong biên chế của họ. Nguyên nhân là do không gian chứa đạn của xe tăng.
Tính năng quan trọng nhất của Leopard 2 là có các ngăn chuyên dụng dành cho đạn 120 mm gắn trên tháp pháo. Những ngăn này được các nhà sản xuất KMW và Rheinmetall của Đức thiết kế đặc biệt, để khi xe bị trúng đạn của đối phương khiến những quả đạn phát nổ gây ra vụ nổ thứ cấp, thì ngăn chứa đạn sẽ hướng năng lượng của vụ nổ ra bên ngoài, giúp bảo đảm an toàn cho kíp lái.
Trong khi đó, nhiều mẫu xe tăng từ thời Liên Xô thường bố trí đạn dược ngay bên trong tháp pháo. Khi bị trúng đạn, vụ nổ từ đạn pháo có thể thổi bay cả tháp pháo xe tăng và khiến kíp lái thiệt mạng. Sự khác biệt về cấu trúc này khiến cho những chiếc xe tăng của Nga dễ bị tổn thương hơn đáng kể so với xe tăng phương Tây.
Xe tăng Leopard của Đức
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Krauss-Maffei phát triển vào những năm 1970 cho Quân đội Tây Đức. Kể từ đó, nó đã được nhiều quốc gia sử dụng, chiếc xe tăng này nổi tiếng với công nghệ tiên tiến và hiệu suất mạnh mẽ trong các tình huống chiến đấu.
Kích thước của xe tăng Leopard 2 khá lớn khi so với các mẫu xe tăng cùng loại, xe có chiều dài khoảng 10 mét (bao gồm cả pháo), chiều rộng 3,75 mét và chiều cao 3 mét. Kích thước này góp phần tạo nên sự đồ sộ của chiếc xe tăng trên chiến trường.
Leopard 2 được đánh giá cao bởi lớp giáp bảo vệ tiên tiến, bao gồm áo giáp tổng hợp và các gói áo giáp bổ sung theo mô-đun. Điều này giúp xe tăng tăng cường khả năng bảo vệ chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau trên chiến trường.
Leopard 2 được cung cấp năng lượng bởi động cơ diesel tăng áp kép V12 làm mát bằng chất lỏng MTU MB 873 Ka-501. Động cơ này có công suất 1.500 mã lực, cho phép xe tăng đạt tốc độ lên tới 68 km/h trên đường trường và 31 km/h trên địa hình.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của Leopard 2 là hiện đại nhất. Nó bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực vi tính EMES 15, có máy đo khoảng cách laser, hệ thống chụp ảnh nhiệt và máy tính đường đạn. Hệ thống này cho phép xe tăng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả khi đang di chuyển.
Leopard 2 được trang bị nhiều hệ thống và linh kiện tiên tiến, bao gồm kính tiềm vọng toàn cảnh PERI-R17 dành cho người chỉ huy, tầm nhìn chính của xạ thủ và hệ thống quan sát ban đêm của người lái. Ngoài ra, Leopard 2 còn có hệ thống bảo vệ NBC (hạt nhân, sinh học, hóa học) và hệ thống chữa cháy tự động.
Vũ khí chính của Leopard 2 là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm. Loại pháo này có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau nên rất linh hoạt trong các tình huống chiến đấu.
Các loại đạn được pháo chính của Leopard 2 sử dụng bao gồm đạn đạn xuyên thoát vỏ ổn định cánh đuôi (APFSDS), đạn chống tăng có sức nổ cao (HEAT) và đạn đầu nhựa có sức nổ cao (HESH). Mỗi loại đạn được thiết kế cho các tình huống chiến đấu cụ thể, giúp nâng cao hiệu quả của xe tăng trước các mục tiêu khác nhau.
Phạm vi tác chiến của pháo chính Leopard 2 cũng tùy thuộc vào từng loại đạn được sử dụng. Đạn APFSDS có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ở phạm vi lên tới 4.000 mét, trong khi đạn HEAT có hiệu quả ở phạm vi 2.500 mét. Tính linh hoạt của các loại đạn và tầm bắn cho phép Leopard 2 thích ứng với nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.