Thành tích đáng nể của ông thầy 'lắm tài nhiều tật' ở V-League
Đánh bại đối thủ sừng sỏ Hà Nội FC trong trận chung kết, câu lạc bộ Thanh Hóa lần thứ 2 liên tiếp vô địch cúp quốc gia.
Đây là thành tích có tính kỷ lục của bóng đá xứ Thanh, và kiến trúc sư trưởng của những thành công đó mang tên Velizar Popov.
Phần thưởng xứng đáng
Thanh Hóa bước vào trận chung kết cúp quốc gia với nhiều bất lợi. Huấn luyện viên Velizar Popov bị truất quyền chỉ đạo do nhận 2 thẻ vàng từ những vòng đấu trước. Tiền đạo chủ lực Rimario ngồi ngoài vì lý do tương tự.
Trong khi đó, Hà Nội FC có đầy đủ binh hùng tướng mạnh và hành quân đến xứ Thanh với tham vọng vô địch để thiết lập kỷ lục 4 lần đoạt cúp quốc gia. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh và chiến thuật hợp lý, đội bóng xứ Thanh mới là nhà vô địch.
Trận đấu hòa 0-0 sau 90 phút thi đấu chính thức. Trên chấm luân lưu 11m, các học trò của Velizar Popov đánh bại đội bóng Hà Nội với tỷ số 9-8 sau 10 loạt sút.
Tính cả chức vô địch Siêu cúp mùa trước, đội bóng xứ Thanh dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Velizar Popov đã có 3 danh hiệu trong 2 năm. Nếu Thanh Hóa thắng Nam Định trong trận tranh Siêu cúp mùa bóng này, chiến lược gia người Bulgaria và học trò sẽ lập kỷ lục.
Sau trận chung kết nghẹt thở, ông thầy sinh năm 1976 cho biết: “Tôi đã từng trải qua nhiều thử thách khó khăn trong sự nghiệp huấn luyện, song chưa thể so sánh với trận chung kết cúp quốc gia năm nay. Hà Nội là đội bóng rất mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã chơi quyết tâm, đứng vững ở những thời điểm quyết định để đăng quang. Chức vô địch này là danh hiệu mà tôi nhớ đến nó rất lâu trong cuộc đời cầm quân của mình”.
Sau trận chung kết cúp quốc gia 2023 - 2024, lãnh đạo đội bóng Thanh Hóa chính thức xác nhận gia hạn hợp đồng thành công với huấn luyện viên Popov.
Hợp đồng trước của ông này với Thanh Hóa có thời hạn từ năm 2022, hết hạn trong năm nay. Thời gian qua, xuất hiện thông tin nhiều đội bóng đại gia “ve vãn” chiến lược gia 48 tuổi này với mức lương và chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn. Nhưng cuối cùng ông Popov tiếp tục gắn bó thêm 2 năm với đội bóng xứ Thanh, hợp đồng mới đáo hạn cuối năm 2026.
Ngoài vấn đề tài chính sẽ tăng lên đáng kể, ông Popov cho biết rằng, “tôi rất hạnh phúc”, đồng thời thực hiện lời hứa “ở lại” với các học trò.
Trong gần 10 năm qua, Câu lạc bộ Thanh Hóa trải qua nhiều thăng trầm, song vươn tới đỉnh cao vinh quang thì chỉ đến dưới thời huấn luyện viên Popov. Đội hình xứ Thanh 2 năm qua không phải được hay nhất, được đầu tư mạnh nhất những năm gần đây.
V-League 2017, Thanh Hóa khởi đầu ấn tượng và đua chức vô địch đến vòng đấu cuối cùng. Một năm sau, đội bóng này tiếp tục thể hiện vai trò của một ứng cử viên vô địch. Nhưng cả 2 mùa giải với đội hình được đánh giá “chất lượng nhất lịch sử bóng đá xứ Thanh”, câu lạc bộ Thanh Hóa chỉ là “người về nhì vĩ đại” và họ còn thua cay đắng Bình Dương ở trận chung kết cúp quốc gia.
Với bóng đá chuyên nghiệp, đội bóng nào cũng vậy, chơi hay đến đâu mà không có danh hiệu thì cũng nhanh chóng bị lãng quên. Có chăng chỉ được nhắc lại với sự hoài niệm đầy cảm tính.
Lịch sử, phòng truyền thống không khắc tên đội về nhì, hoặc nếu có cũng chỉ ở một vị trí khiêm tốn. Thế nên, 3 chức vô địch chỉ trong 2 mùa giải và có thể chưa dừng lại của câu lạc bộ Thanh Hóa dưới triều đại huấn luyện viên Popov thực sự là kỷ lục ấn tượng có lẽ không chỉ với bóng đá xứ Thanh.
Điều ấn tượng nữa, sân Thanh Hóa trận chung kết cúp quốc gia vừa rồi chật kín khán giả. Sau chức vô địch đầy cảm xúc, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch câu lạc bộ Thanh Hóa phấn khích ôm huấn luyện viên Popov nói rằng: “Quá tuyệt vời. Bóng đá đem đến cảm giác sung sướng quá. Chúng ta phải tiếp tục phát huy nhé”.
Cũng phải nói thêm, trong vòng 9 năm qua, chỉ có 3 chiến lược gia ngoại từng giành danh hiệu vô địch với đội bóng Việt Nam. Đó là các huấn luyện viên Popov (Thanh Hóa); Chun Jae-ho và Bozidar Bandovic, cùng với Hà Nội FC.
Ngoài sự khác biệt về tính chất của danh hiệu, vô địch V-League và cúp quốc gia, thì Chun Jae-ho và Bandovic có nhiều thuận lợi khi nắm đội Hà Nội với nền tảng chuyên môn và tài chính luôn ổn định ở mức cao.
Bên cạnh đó, sân chơi V-League những năm gần đây trở thành “máy xay” huấn luyện viên, nhiều ông thầy ngoại phải cay đắng ra đi. Ngay cả Thanh Hóa, từng sở hữu huấn luyện viên Ljupko Petrovic, người dẫn dắt đội Sao đỏ Belgrade vô địch cúp C1 châu Âu (tiền thân của UEFA Champions League ngày nay) năm 1991.
Thời điểm huấn luyện viên Popov nắm quyền câu lạc bộ Thanh Hóa, đội bóng xứ Thanh chỉ thuộc nhóm trung bình yếu của V-League. Những gương mặt đã ở bên kia sườn dốc như Văn Thắng, Đình Tùng… vẫn nắm giữ các vị trí trụ cột bởi lứa trẻ chưa đủ độ chín thay thế, hay đúng hơn họ không được trao cơ hội và niềm tin.
Ngay cả tài năng trẻ Thái Sơn cũng chỉ có tên trên băng ghế dự bị. Dù vậy, với những bước đi căn cơ, chiến lược gia người Bulgaria đã tạo dựng một đội bóng cá tính và kỷ luật. Thế mới có chuyện, câu lạc bộ Thanh Hóa không thể mạnh như Hà Nội FC, Viettel hay Công an Hà Nội, song đội bóng xứ Thanh vẫn vươn tới thành công nhờ một tập thể thi đấu gắn kết, máu lửa cùng chiến thuật hợp lý, mang đậm dấu ấn của huấn luyện viên Popov.
Bản tính khó dời?
Trước khi đến Thanh Hóa, huấn luyện viên Popov đã dẫn dắt 9 câu lạc bộ ở các quốc gia khác nhau, đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng U23 Myanmar, cùng đội bóng này giành Huy chương Đồng bóng đá nam SEA Games 30.
Khi biết câu lạc bộ Thanh Hóa cần tuyển huấn luyện viên, vào cuối mùa giải 2022, nhà cầm quân người Bulgaria bằng quan hệ cá nhân đã gửi đến lãnh đạo đội bóng này chương trình hành động dài… 110 trang. Trong đó, ông chỉ rõ mong muốn, mục tiêu của mình với bóng đá Thanh Hóa; cách sử dụng cầu thủ trẻ cũng như phân tích kỹ vấn đề của câu lạc bộ Thanh Hóa qua băng hình trận đấu.
Khi chính thức nắm quyền câu lạc bộ Thanh Hóa, chiến lược gia người Bulgaria này buộc các học trò cải thiện 2 vấn đề, thể lực và tinh thần, trong đó phải nghiêm túc trên sân tập.
Các cầu thủ Thanh Hóa cần rèn thể lực kỹ càng hơn để bảo đảm tiêu chí khỏe, nhanh, sức bền tốt. Thế mới có chuyện, trong những tháng đầu tiên cầm quân, Popov và trợ lý thể lực Nikita - cựu tuyển thủ điền kinh quốc gia Nga chỉ ép học trò vào bài chạy, chạy và chạy thay vì tập chuyên môn, hay chiến thuật.
Vậy nên, dưới triều đại Popov, đội bóng xứ Thanh luôn thi đấu với trạng thái thể lực sung mãn, khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công, hoặc ngược lại rất linh hoạt, có nhiều bài đánh biên tốc độ, biến hóa cao.
Lối chơi của Thanh Hóa không quá cao siêu, song để hóa giải thầy trò huấn luyện viên Popov không phải đối thủ nào cũng làm được, nhất là trong các trận đấu loại trực tiếp như cúp quốc gia.
Bên cạnh đó, điều mà ông thầy người Bulgaria tạo được dấu ấn chính là “truyền lửa” vào tinh thần thi đấu của học trò. Các cầu thủ Thanh Hóa vào sân luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, máu lửa và không ngại va chạm.
Như ở trận chung kết cúp quốc gia vừa qua, đội bóng xứ Thanh với lối chơi bền bỉ, quyết tâm đã phong tỏa hiệu quả các mũi nhọn tấn công của Hà Nội FC. Trên chấm 11m đầy may rủi, Thanh Hóa chịu bất lợi khi Đình Tùng đá hỏng lượt đá thứ 2, song các cầu thủ xứ Thanh vẫn đứng vững để giành lại lợi thế và đánh bại đối thủ ở loạt sút thứ… 10.
Vấn đề nào cũng có 2 mặt. Người Việt Nam còn có câu “tài đi đôi với tật”. Tinh thần máu lửa, quyết tâm của ông Popov cũng có lúc quá đà, mất kiểm soát và điều đó cũng lan tỏa đến các học trò.
V-League 2023 - 2024 khép lại, Thanh Hóa nhận 55 thẻ vàng, đứng sau đội nhiều nhất Công an Hà Nội (60 thẻ), nhưng đội bóng xứ Thanh “vô đối” về thẻ đỏ, 6 chiếc nhiều gấp 2, 3 lần các đội bóng khác.
Mùa trước, Thanh Hóa dẫn đầu về số thẻ vàng, 47 chiếc, và với 2 thẻ đỏ họ cũng nằm trong tốp những đội đứng đầu. Với số lượng thẻ phạt nhiều như vậy, nghiễm nhiên Thanh Hóa cũng luôn phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nhân sự, do cầu thủ nghỉ vì thẻ phạt. Đó có thể là lý do khiến Thanh Hóa chỉ về thứ 8 V-League mùa này.
Đằng sau câu lạc bộ Thanh Hóa lỳ lợm là một huấn luyện viên Popov nóng tính, gây tranh cãi về “tài và tật”. Sau trận thua 0-2 của Thanh Hóa trước TPHCM ngày 8/5 vừa qua, ông Popov lại không họp báo như là thách thức quy định của Ban tổ chức V-League. Thậm chí, ông Popov có xung đột với cầu thủ chủ nhà TPHCM, khiến huấn luyện viên Phùng Thanh Phương vốn hiền lành cũng phải lên tiếng rằng, huấn luyện viên Popov không chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng cầu thủ TPHCM.
Không những vậy, cũng trận này, huấn luyện viên Popov luôn phản ứng dữ dội với các quyết định của trọng tài, khiến các trợ lý và cầu thủ Thanh Hóa phải can ngăn cái đầu nóng hừng hực như muốn đánh nhau của ông thầy “tính nóng như kem” này.
Bỏ họp báo, phản ứng dữ dội với trọng tài và đối thủ… là câu chuyện thường xuyên của huấn luyện viên Popov. Những hành xử kiểu đó khiến ông phải nhận nhiều thẻ vàng từ trọng tài, bị phạt tiền từ Ban tổ chức giải đấu. Đơn cử như bỏ họp báo trên sân Thống Nhất, ông bị phạt 10 triệu đồng, hay trận chung kết cúp quốc gia với Hà Nội FC, ông phải ngồi trên khán đài vì thẻ phạt trước đó…
Sau trận thua Bình Dương ở vòng 7 V-League mùa này, ông chỉ trích trọng tài và phát biểu: “Chúng tôi không có lý do gì buồn vì những gì mình đã làm. Kết quả còn phụ thuộc vào trọng tài. Bóng đá Việt Nam là vậy, không phải chơi tốt là thắng”.
Vậy nên, bên cạnh một Popov cá tính, sống đàn anh với học trò, tạo dựng thành tích đáng nể ở câu lạc bộ Thanh Hóa còn là một Popov “lắm tật” với những quan điểm trái chiều.
Vào thời điểm bóng đá Việt Nam sa sút, khủng hoảng dưới thời huấn luyện viên Philippe Troussier, nhiều quan điểm đặt huấn luyện viên Popov như là ứng cử viên sáng giá dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, cách hành xử vượt kiểm soát trong một số khoảnh khắc khiến ông thầy người Bulgaria chưa thể lọt vào vòng tuyển chọn huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.
Thật khó để đặt ra mệnh đề, ông Popov cần thay đổi tính cách, song đến lúc chiến lược gia này cũng cần lựa chọn thái độ ứng xử tích cực, phù hợp hơn. Có như thế, ông mới thực sự vươn tầm trong vai trò một huấn luyện viên trưởng.
Mùa bóng 2024 - 2025, câu lạc bộ Thanh Hóa sẽ tham dự 4 giải đấu. Bên cạnh 2 đấu trường quốc nội là V-League và cúp quốc gia, thầy trò huấn luyện viên Popov sẽ tranh tài ở AFC Champions League Two và cúp C1 Đông Nam Á.
Tại giải Đông Nam Á, đội bóng xứ Thanh nằm ở bảng A cùng với Pathum United (Thái Lan), Terengganu FC (Malaysia), PSM Makassar FC (Indonesia) cùng 2 đội thắng ở 2 trận Play-off 1, Play-off 2 (sẽ được xác định sau loạt trận play-off ngày 24/7). AFC Champions League Two chưa tiến hành bốc thăm chia bảng.