Thành tố bộ 3 hạt nhân dễ bị tóm sống?

Là thành phần quan trọng trong bộ 3 hạt nhân Mỹ, máy bay tàng hình B-2 Spirit có thể xuyên thủng phòng thủ đối phương khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 22/11/1988, chiếc B-2 đầu tiên được công bố và được biết đến với tên gọi Spirit. Theo chuyên gia Mark Episkopos,sự rađời của B-2được coi là bước ngoặt khi công nghệ fly-by-wire (Hệ thống điều khiển máy bay bằng điện tử) được sử dụng rộng rãi.

Fly-by-wire là hệ thống điện - điện tử thay thế cách điều khiển thủ công truyền thống. Phi công vẫn ra lệnh điều khiển, nhưng chuyển động của cần lái và tay ga sẽ chuyển thành tín hiệu điện tới máy tính kiểm soát bay.

Máy tính sau đó điều khiển hệ thống thủy lực để tạo ra chuyển động theo ý muốn phi công. Nhưng động cơ phản lực là một điểm yếu trong các thiết kế tàng hình vì nó dễ lọt vào tầm ngắm của radar do khí thải của động cơ sẽ tạo thành các điểm nóng có thể phát hiện được bằng cảm biến hồng ngoại.

Máy bay tàng hình B-2.

Máy bay tàng hình B-2.

Để khắc phục nhược điểm này, các cửa hút khí của Spirit được bố trí trên đỉnh cánh và luồng không khí có thể đi qua các ống dẫn hình chữ S đến 4 động cơ turbine phản lực F118 ở trong máy bay.

Ngoài ra, Spirit còn sử dụng các cửa hút gió thứ cấp để hút không khí lạnh xung quanh và trộn luồng khí này với khí nóng phát ra từ máy bay, sau đó đẩy ra ngoài để khuếch tán nhiệt.

Một đặc tính quan trọng khác của B-2 là được chế tạo bằng vật liệu hấp thụ radar. Lớp vỏ ngoài của máy bay chủ yếu được tạo thành từ vật liệu carbon không dẫn điện kết hợp với titan.

Những bộ phận dễ bị phát hiện bởi radar, chẳng hạn như cửa hút, các cạnh của cánh, được phun thêm lớp phủ bằng vật liệu hấp thụ radar.

Bên cạnh đó, vỏ ngoài cũng được phủ bằng một chất liệu có tính đàn hồi để làm phẳng các đường nối, ốc vít hoặc khớp nối giữa các vật liệu khác nhau vốn có thể tạo ra vết nứt trên thân máy bay.

B-2 Spirit có các khoang đặc biệt, được thiết kế để giải phóng hóa chất nhằm che phủ vệt khói mà máy bay tạo ra trên bầu trời nhằm che dấu vết nhưng chúng chẳng bao giờ được sử dụng.

Thay vào đó, Spirit có các cảm biến LIDAR phát hiện các vệt khói này và giúp phi công điều chỉnh độ cao để loại bỏ chúng. Những đặc điểm của B-2 giúp máy bay này có thể vượt qua được hầu hết hệ thống phòng thủ đối phương.

Sở hữu khả năng xuyên thủng được hàng phòng thủ đối phương cùng với kho vũ khí hạng nặng mang theo, B-2 Spirit được coi quân bài chủ lực trong bộ 3 hạt nhân của Mỹ từ khi ra đời cho đến tận ngày nay.

Dù Mỹ rất tự tin vào sức mạnh của B-2 nhưng theo chuyên gia quân sự Nga Alexander Ermakov, công nghệ tàng hình đã có những bước tiến dài kể từ khi B-2 được thiết kế và khi đi vào hoạt động.

Hơn nữa, nhiều thiết bị trên máy bay ngày càng trở nên lỗi thời trong suốt chiều dài hoạt động của máy bay này, trong đó có cả hệ thống động cơ. Đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ đang phải phát triển máy bay B-21 để thay thế.

"Công nghệ mà các loại máy bay này đang có thực tế đã có những năm 1980. Một thực tế hiển nhiên B-2 đang mất dần khả năng sống sót trên chiến trường trong trường hợp phải đối đầu với nhưng lực lượng phòng thủ mạnh như của Nga với những hệ thống S-400 và sắp tới là S-500", chuyên gia Nga nói.

Và thực tế hoạt động của B-2 đã chứng minh điều này. Trong chuyến bay hồi tháng 8/2019, một chiếc B-2 Spirit cất cánh từ căn cứ Fairford tại Anh, bay vào Biển Baltic và bay nhiều vòng gần vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningard của Nga, chuyến bay đã bị radar Nga phát hiện và theo dõi.

Trong năm 2020, máy bay B-2 Spirit thực hiện thêm 2 lần cất cánh từ Fairford và thực hiện chuyến bay gần Kaliningard của Nga. Cũng giống như trước đó, hành trình của máy bay Mỹ đều bị đặt trong tầm giám sát của radar và phòng thủ Nga.

Với những lần phát hiện này, giới quân sự Nga cho rằng, việc B-2 vượt qua được hàng phòng thủ nhiều tầng của Nga hiện chỉ có thể diễn ra trong tuyên bố của những tướng lĩnh Mỹ.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/thanh-to-bo-3-hat-nhan-de-bi-tom-song/20211113092040139