Thanh toán điện tử trong giao thông:Hướng tới lợi ích chung

Nghị định số 119/2024/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 30-9-2024), quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ được coi là bước tiến mới trong lĩnh vực thu phí điện tử.

Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.

Nhân viên quét mã thu phí trông giữ xe ô tô tại tuyến phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Khải

Nhân viên quét mã thu phí trông giữ xe ô tô tại tuyến phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Khải

Xu thế tất yếu, bắt buộc

Việc thanh toán khi tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, đi xe buýt, đường sắt đô thị hoặc trả phí trông giữ ô tô, xe máy ngày càng dễ dàng, thuận lợi là đánh giá của nhiều người dân khi đề cập đến thanh toán điện tử giao thông.

Anh Nguyễn Đức Cường (phường Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, kể từ ngày các tuyến cao tốc đồng loạt triển khai thu phí tự động không dừng, mỗi xe chỉ mất vài giây để lưu thông qua trạm nên các phương tiện qua đây thuận tiện hơn rất nhiều, ít xảy ra ùn tắc.

Không chỉ trên các tuyến cao tốc, từ giữa tháng 4-2024, hàng loạt điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thủ đô bắt đầu thí điểm áp dụng giải pháp trông giữ xe không dùng tiền mặt. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình thí điểm đạt kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định; người dân đều đồng tình bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế tiêu cực, công khai, minh bạch...

Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Trương Kiều Anh cho biết, thanh toán điện tử là xu thế tất yếu, bắt buộc, là một trong những chức năng hệ thống điều hành giao thông thông minh. Thực tế thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt cho thấy, tỷ lệ sử dụng đối với ô tô là gần 90%, với xe máy là 85%. Còn với thẻ vé điện tử giao thông công cộng, tỷ lệ này cũng lên tới 85%.

Công nghệ thân thiện, ổn định

Từ ngày 1-10-2024, Nghị định số 119/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo nghị định này, trước ngày 1-10-2025, chủ phương tiện phải chuyển đổi sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết các loại phí, gồm cả dịch vụ tại sân bay, cảng biển, kiểm định phương tiện…

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, hiện nay việc thu phí điện tử không dừng đã được triển khai trên 5,6 triệu phương tiện, chiếm 97% lượng phương tiện lưu thông trên đường bộ. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai các nội dung trong nghị định này nhằm cải thiện hệ thống thanh toán giao thông. Điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.

Theo Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Trương Kiều Anh, người dùng mong muốn có một sản phẩm "ngon, bổ, rẻ" nhưng phải ổn định. Tính ổn định rất quan trọng, chỉ cần một trục trặc là có thể ảnh hưởng tới khả năng thu hút, khuyến khích người dân. Do đó nhà cung cấp dịch vụ phải có giải pháp công nghệ thân thiện, ổn định, bảo đảm bảo mật, khả năng chia sẻ cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý.

Đồng quan điểm, Giám đốc Visa Việt Nam & Lào Đặng Tuyến Dung nhấn mạnh, nguồn tiền thanh toán có thể từ ví điện tử, từ tài khoản ngân hàng... Dù là phương tiện thanh toán nào thì quan trọng nhất là phải mang lại lợi ích cho người dân. Bước đầu người dân có thể lựa chọn nhiều cách thanh toán nhưng sau một thời gian sử dụng, họ sẽ lựa chọn các phương thức thanh toán nhanh nhất, an toàn nhất, phù hợp với nhu cầu di chuyển.

Khẳng định thanh toán điện tử là xu thế tất yếu, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, để Nghị định số 119/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm, từ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư hạ tầng, công nghệ, xây dựng giải pháp kết nối… Theo ông Nguyễn Trung Anh (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành khuôn khổ pháp lý cũng như phát triển hạ tầng, dịch vụ.

Về phát triển hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật…

Điều 32, Nghị định số 119/2024/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đối với chủ phương tiện: Hướng dẫn sử dụng, bảo hành thẻ đầu cuối gắn cho chủ phương tiện trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Hướng dẫn chủ phương tiện cách thức sử dụng dịch vụ. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin tra soát, khiếu nại của chủ phương tiện. Thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo quy định của pháp luật...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-toan-dien-tu-trong-giao-thong-huong-toi-loi-ich-chung-681426.html