Thanh toán không dùng tiền mặt - điểm nhấn từ khối dịch vụ công

Không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, y tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều dịch vụ công trên cả nước.

Trang thông tin hướng dẫn nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trang thông tin hướng dẫn nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, thói quen thanh toán không tiền mặt đã dần được định hình trong đời sống xã hội người dân.

Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công ghi nhận kết quả khá ấn tượng.

Cùng với các tiện ích mang lại, giải pháp này đã góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Nộp thuế, phí… qua Internet

Vài năm gần đây, nhiều phụ huynh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không phải lo cảnh chen lấn, đứng chờ xếp hàng đóng học phí cho con em mình. Thay vào đó, họ có thể ngồi bất cứ đâu chỉ cần có mạng Internet và mất vài phút để thanh toán học phí qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.

Đây là mô hình thí điểm trường học không sử dụng tiền mặt được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một số ngân hàng triển khai từ năm học 2014-2015, với việc thanh toán học phí, các khoản thu thông qua dịch vụ ngân hàng.

Không chỉ dừng lại đó, ngành giáo dục thành phố còn triển khai thử nghiệm mô hình quản lý Trường học thông minh – Trường học không tiền mặt bằng thẻ đa năng, tích hợp nhiều tiện ích khác như điểm danh học sinh, mua hàng và thanh toán bằng…

Thực tế cho thấy, đa số học sinh và phụ huynh đều hưởng ứng bởi những tiện lợi mà mô hình mang lại. Thế nhưng, “ở thời điểm đầu khi triển khai mô hình này cũng vấp phải sự hoài nghi rất lớn,” ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – ngân hàng phối hợp triển khai mô hình này cho biết.

Theo ông Tâm, đội ngũ nhân viên của Sacombank đã phải đến từng lớp học, tận dụng thời gian cuối tuần để triển khai.

Đến nay, việc nộp học phí không tiền mặt đã được triển khai đến hơn 300 trường ở Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 200.000 thẻ học đường được phát hành và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần.

Không những vậy, “tiếng lành” cũng lan xa, một số tỉnh còn tới tìm hiểu và đề nghị ngân hàng hỗ trợ việc triển khai mô hình này trên địa bàn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không dùng tiền mặt. Đến nay, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế và giáo dục đã đạt được những kết quả nổi bật.

Đối với học phí, 80% trường học ở thành phố không dùng tiền mặt. Lĩnh vực y tế khiêm tốn hơn với khoảng 50% bệnh viện trên địa bàn áp dụng hẹn lịch và thanh toán điện tử, trong đó có các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch…

Người dân thay vì đi từ 5-6 giờ sáng mệt mỏi xếp hàng, nay chỉ cần một số thao tác đã có thể đặt lịch hẹn, thanh toán viện phí từ xa, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, y tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều dịch vụ công trên cả nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

Bà Lý Thị Hoài Hương, Vụ phó Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng Cục Thuế cho biết, tính đến hết 2019, đã có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng.

Về triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đã có 53 ngân hàng (trong đó 34 ngân hàng trong nước và 19 ngân hàng nước ngoài) và 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.

Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng mạnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng mạnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ hóa đơn, tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số hóa đơn trong năm 2015 tăng lên 64% số hóa đơn và hơn 81% tiền điện trong năm 2019.

Hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt

Không chỉ tăng mạnh trong dịch vụ công, thói quen thanh toán không tiền mặt cũng được hình thành trong đời sống sinh hoạt của nhiều người dân.

Đáng chú ý, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã tạo cú hích lớn, thay đổi thói quen mua sắm và thanh toán của nhiều người, từ mua sắm truyền thống sang hình thức trực tuyến và thanh toán chuyển khoản.

Dẫn số liệu thống kê từ 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam bao gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Dũng, mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm, đồng thời lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Mùa dịch này đặt hàng và thanh toán trước qua ứng dụng cũng tăng dần. Thói quen này sẽ kéo dài sau dịch.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động từ đầu năm đến nay đã đạt được những kết quả ấn tượng, cả về số lượng khách hàng cũng như số lượng và giá trị giao dịch.

Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị.

Thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; đến cuối tháng 3/2020, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành đạt mức 103,1 triệu thẻ (tăng 22,4% so với cuối năm 2017). Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán kinh doanh thương mại nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, hiện hầu hết các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như phân tích hành vi khách hành trên Big Data, xác thực sinh trắc học, ứng dụng QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless)…

Trong thời gian qua, cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Khi quyết định này được Chính phủ chấp thuận và ban hành sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Kim Anh cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)...

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025…/.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-diem-nhan-tu-khoi-dich-vu-cong/645776.vnp