Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt - nhiều khách hàng chưa hưởng ứng... vì thói quen

Thanh toán tiền điện (TTTĐ) không dùng tiền mặt được đánh giá là phương thức thanh toán đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán mới này với lý do đơn giản 'thói quen khó bỏ'!

Thanh toán tiền điện qua Internet Banking cho phép người dùng thanh toán hóa đơn điện ngay tại nhà hoặc bất kỳ đâu mà không cần trực tiếp tại quầy thanh toán.

Nhanh chóng, thuận tiện

Thủ tục đăng ký đơn giản, không mất chi phí, với phần lớn khách hàng TTTĐ qua ngân hàng, đây là một dịch vụ hữu ích, giúp họ bớt đi được một mối bận tâm. Chị Vũ Thu Hồng, xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) cho biết, trước đây, hàng tháng, chị luôn “lo ngay ngáy” sợ quên ngày đóng tiền điện tại điểm thu, vì như vậy sẽ phải đến điện lực đóng bù, rất mất thời gian. Từ tháng 4-2018, chị đăng ký TTTĐ qua ngân hàng và thực sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. “Hàng tháng, điện lực sẽ nhắn tin thông báo số tiền phải đóng. Đến ngày, ngân hàng tự động khấu trừ trong tài khoản, tất cả đều có tin nhắn thông báo qua điện thoại, rất rõ ràng, minh bạch”, chị Hồng chia sẻ.

Khoảng 2 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thu Nga, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do thường xuyên vắng nhà khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Giờ đây, chị có thể dễ dàng nộp tiền điện qua ứng dụng ViettelPay trên điện thoại di động. Chị Nga cho biết: “Việc không sử dụng tiền mặt giúp tôi tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng do luôn nắm được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng trước khi thanh toán. Đồng thời không phải lo ngại tình trạng giả mạo nhân viên thu tiền, lừa gạt người sử dụng”. Còn chị Nguyễn Anh Đào, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho hay: Trước đây, mỗi khi đến hạn, chị lại phải tranh thủ xin nghỉ làm đi nộp tiền điện. Từ đầu năm 2017, chị chuyển đổi hình thức trả tiền điện qua hệ thống ViettinBankIpay, đến tháng chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là chị đã thanh toán xong tiền điện. “Thủ tục đăng ký rất đơn giản, nhanh chóng. Tôi cũng đã khuyến khích các chị em trong công ty đăng ký dịch vụ này vì tiết kiệm được rất nhiều thời gian”, chị Đào cho biết thêm.

Theo tìm hiểu được biết, để TTTĐ qua ngân hàng, khách hàng chỉ cần đăng ký một lần duy nhất tại ngân hàng. Sau đó, hàng tháng ngân hàng sẽ tự động trừ từ tài khoản của khách hàng số tiền tương ứng nộp cho điện lực. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể nộp tiền trực tiếp tại tất cả các quầy giao dịch của ngân hàng, giao dịch qua thẻ ATM, internet banking... Các hình thức thanh toán này đều không mất phí. Không chỉ tiết kiệm thời gian cho khách hàng, TTTĐ qua ngân hàng còn góp phần hạn chế rủi ro, đảm bảo tính chính xác, an toàn cho khách hàng cũng như thu ngân trong quá trình thu, nộp tiền điện bằng tiền mặt. Đặc biệt, hình thức này giúp ngành điện nâng cao năng suất lao động nhờ giảm nhân lực ở khâu thu tiền và giảm áp lực trong công tác quản lý, phục vụ khi thu, nộp tiền điện hàng tháng. Đây cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước, minh bạch và chống thất thu thuế. Tiện ích là vậy, tuy nhiên tính đến ngày 31-12-2019, mới chỉ có khoảng 250 nghìn khách hàng sử dụng hình thức không dùng tiền mặt chiếm 33%

Chưa hưởng ứng... vì thói quen

Mặc dù có những ưu thế rõ ràng nhưng việc triển khai TTTĐ không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn. Tìm hiểu được biết, trở ngại lớn nhất là do thói quen dùng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến, tâm lý không muốn thay đổi, không muốn sử dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, địa chỉ giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian đều tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn. Ngoài ra, cơ chế, chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Theo đó, mạng lưới ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều, cụ thể là hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng với đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ. Trong khi số lượng khách hàng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, không có điều kiện tiếp cận các hình thức thanh toán điện tử.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hòa (57 tuổi), xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) cho hay: “Nhà có 2 ông bà già, lương không có, điện thoại thì chỉ có chức năng nghe và gọi, con cái lại ở xa nhà, nhà văn hóa thì ngay cạnh nhà nên đến tháng chỉ cần dành một chút thời gian là có thể TTTĐ. Giờ bắt chúng tôi chuyển đổi, chữ “tác” đánh sang chữ “tộ” làm sao ông bà tôi có thể tiếp cận được nên chúng tôi sẽ không bao giờ chọn hình thức thanh toán mới này”. Tương tự như trường hợp bà Hòa, gia đình bà Phạm Thị Hồng (62 tuổi), xã Thọ Vực (Triệu Sơn) cho biết: “Lâu nay, TTTĐ bằng tiền mặt đã thành thói quen nên tôi vẫn muốn lựa chọn hình thức này. Vả lại, năm nay cũng đã có tuổi nên việc đi lại cũng hạn chế, bản thân lại không dùng điện thoại thông minh nên hàng tháng đến ngày nộp tiền điện tôi thường nhờ hàng xóm đóng tiền giúp”.

Trước thực tế này, nhằm triển khai các biện pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử theo yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ. Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đã phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ví điện tử để triển khai việc đa dạng hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt. Việc triển khai TTTĐ không dùng tiền mặt, đóng góp tích cực vào các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và giúp các cơ quan, đơn vị, người dân, tiết kiệm thời gian, chủ động trong TTTĐ và đặc biệt không bị chậm chễ trong TTTĐ hàng tháng, hỗ trợ ngành điện lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh thực hiện

Với mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ thu hộ tiền điện của các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình qua hệ thống ngân hàng, nhằm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, PC Thanh Hóa chủ trương tiến tới sẽ không duy trì các bàn thu tiền điện bằng tiền mặt tại các khu phố và sẽ chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày 1-9-2016, PC Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa (BIDV Thanh Hóa) đã ký kết hợp đồng ủy quyền thu hộ tiền điện qua ngân hàng. Theo đó BIDV Thanh Hóa đã rất tích cực tuyên truyền, tiếp thị và vận động cán bộ, công nhân, viên chức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang trả lương qua BIDV Thanh Hóa đăng ký dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện tự động qua ngân hàng hoặc khách hàng tự thao tác thanh toán hóa đơn tiền điện của mình trên các kênh giao dịch ngân hàng điện tử của BIDV. Ngoài BIDV, PC Thanh Hóa cũng đề nghị các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn tỉnh vận động cán bộ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị TTTĐ không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng bằng các phương thức như: Ủy quyền cho ngân hàng thu tiền điện tự động từ tài khoản thanh toán (tài khoản nhận lương) của cán bộ, viên chức; Mobile Banking; Smartbanking... Việc đẩy mạnh này được thực hiện thông qua các giải pháp tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng. Đến nay, nhân viên của PC Thanh Hóa không còn phải tới tận nhà để thu tiền điện của khách hàng. Hiện nay, 100% các đơn vị của ngành điện đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trong dịch vụ thu tiền điện, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán như: ECPay, Payoo, Momo, VNPay, Zalopay, Viettel, VNPost, Napas... Hiện các chi nhánh của PC Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với UBND các địa phương vận động cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện TTTĐ không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, PC Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người sử dụng điện TTTĐ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ; hỗ trợ phổ biến, tuyên truyền về việc sử dụng các dịch vụ điện mức độ 4 để các khách hàng biết và sử dụng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị có sử dụng điện khi điện lực thông báo chính thức dừng thu tiền điện bằng tiền mặt tại các điểm thu theo chủ trương đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực tế hiện nay, thu tiền điện không dùng tiền mặt không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tăng cường sự quản lý của Nhà nước. Hiện PC Thanh Hóa đã mở rộng liên kết TTTĐ với 7 ngân hàng trên địa bàn tỉnh và 9 đối tác trung gian. Với nỗ lực của ngành điện cùng xu thế thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt của xã hội hiện đại, tin rằng, thời gian tới, người dân sẽ dần thay đổi thói quen và TTTĐ qua ngân hàng sẽ được đông đảo khách hàng lựa chọn.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thanh-toan-tien-dien-khong-dung-tien-mat-nhieu-khach-hang-chua-huong-ung-vi-thoi-quen/112818.htm