Thanh toán viện phí cho bệnh nhân Covid-19 và những tình huống 'dở khóc dở cười'
Hai năm điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Phúc và các đồng nghiệp không ít lần gặp những tình huống trớ trêu khi làm thủ tục thanh toán viện phí.
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nhà nước quy định những chi phí liên quan đến bệnh Covid-19 được ngân sách chi trả.
Tuy nhiên, chi phí điều trị bệnh nền và những thuốc, trang thiết bị vật tư không trong danh mục điều trị Covid-19 sẽ do bảo hiểm y tế chi trả (nếu F0 có bảo hiểm y tế) hoặc do chính người bệnh thanh toán (nếu không có bảo hiểm y tế).
Trường hợp có bảo hiểm y tế, vấn đề thanh toán viện phí còn phụ thuộc vào phần trăm bảo hiểm chi trả. Ví dụ, thẻ bảo hiểm chỉ chi trả 80% thì người bệnh phải đồng chi trả thêm 20%. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế cũng có các danh mục thuốc và vật tư được thanh toán hết, theo phần trăm hoặc không thanh toán. Như vậy, nếu bệnh nhân sử dụng loại thuốc mà bảo hiểm không thanh toán thì sẽ phải tự chi trả.
Bác sĩ Phúc chia sẻ, khi thanh toán viện phí cho bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế phải cân đo đong đếm danh mục nào thuộc Covid-19, danh mục nào thuộc bảo hiểm y tế, rồi nếu thanh toán theo bảo hiểm thì có sai quy định hay không.
“Bệnh nhân đều nằm viện mà không người trông nom, việc giải thích chi phí điều trị và tiên lượng bệnh cho người nhà chỉ qua điện thoại, nộp tiền viện phí đa số là chuyển khoản online nên có rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Phúc nói.
Anh và các đồng nghiệp đã không ít lần gặp những tình huống “dở khóc, dở cười” khi người nhà nhất định không đóng các chi phí điều trị.
“Nhiều người đưa ra những lý do như: “Người thân tôi nằm viện, tôi có nhìn thấy đâu mà biết các anh chị dùng thuốc hay không?" hay "Nhà nước bảo là miễn phí hết mà sao các anh chị bắt tôi đóng tiền". Có cả trường hợp người nhà bỏ luôn bệnh nhân đã khỏi bệnh tại bệnh viện chỉ vì không muốn đóng 6 triệu tiền viện phí”, bác sĩ Phúc tâm sự.
Khi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế sẽ chăm sóc, điều trị ngay, không yêu cầu người nhà ứng trước. Bệnh viện tự ứng các chi phí, trong đó đồ ăn, thức uống và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bỉm, dầu gội, sữa tắm,…
Ngân sách có một hạn mức chi trả cho phần kinh phí này. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình điều trị, kinh phí ăn uống, sinh hoạt có thể phát sinh vượt mức được chi trả, nhất là với bệnh nhân nặng, hôn mê. Nếu gia đình người bệnh không thanh toán, bệnh viện sẽ phải chịu phần kinh phí nói trên.
“Hai năm chống dịch, anh em vẫn luôn cố gắng, không vì người nhà không đóng tiền hay sợ bảo hiểm xuất toán (không được bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh) mà ngừng cứu chữa cho bệnh nhân. Nhưng chỉ mong một ngày, nhân viên y tế không phải chịu cảnh sợ bệnh nhân không đóng chi phí điều trị hay sợ bị bảo hiểm xuất toán nữa”, bác sĩ Phúc bày tỏ.
Theo quy định của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 được khám và điều trị bệnh này miễn phí; không phải chi trả chi phí điều trị.
Trường hợp người mắc Covid-19 trước đó được cách ly y tế theo quy định thì phải chi trả chi phí cách ly y tế theo Nghị quyết 16/NQ-CP. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, nếu mắc các bệnh khác (không phải Covid-19) mà cần khám, điều trị thì việc trả chi phí khám, điều trị thực hiện theo Khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP như sau:
- Người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật.
- Người không có thẻ bảo hiểm tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Như vậy, mức chi phí cho một trường hợp Covid-19 phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng bệnh của từng người.
Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ, chỉ nằm điều trị, theo dõi và sử dụng các thuốc thông thường, chi phí thường rất rẻ. Bệnh nhân hoàn toàn được miễn phí và không phải mất tiền đóng thêm.
Đối với trường hợp nặng, đặc biệt là những bệnh nhân nguy kịch, phải can thiệp thở máy hay ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), chi phí điều trị thường rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ đồng. Lúc này, việc Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ hay người bệnh vẫn phải đóng thêm và đóng thêm bao nhiêu phụ thuộc vào F0 có mắc nhiều bệnh nền kèm theo không.
Nguyễn Liên