Thanh tra Bộ Công Thương tổ chức quán triệt Luật Tố cáo năm 2018

Tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Hội nghị được tổ chức với dự tham gia của toàn thể công chức Thanh tra Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo và chuyên viên được giao nhiệm vụ giải quyết tố cáo tại các đơn vị liên quan thuộc Bộ nhằm triển khai Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương và Kế hoạch công tác năm 2021.

Tại hội nghị, TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã truyền đạt những nội dung cơ bản, những điểm mới sửa đổi, bổ sung của Luật Tố cáo năm 2018. Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Tú

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Tú

Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh

Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Điều 25, Luật Tố cáo năm 2018:

Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo (Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền).

Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo

Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây.

4 bước gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Bỏ bước công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011.

TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương truyền đạt các nội dung của Luật tố cáo năm 2018. Ảnh: Hoàng Tú

TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương truyền đạt các nội dung của Luật tố cáo năm 2018. Ảnh: Hoàng Tú

Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kề từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Cho phép rút tố cáo

Điều 33, Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “1. Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

2. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

4. Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ trong giải quyết tố cáo của Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Tú

Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ trong giải quyết tố cáo của Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Tú

Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo

Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 quy định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo

Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợt kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc đợt kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… (Điều 34).

Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định về nguyên tắc giải quyết tố cáo, áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, các hành vi bị nghiêm cấm.

Thông qua hội nghị, lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị nắm được những nội dung của Luật Tố cáo năm 2018, từ đó tuân thủ các quy định của Luật trong giải quyết công việc, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết tố cáo của Bộ Công Thương.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-tra-bo-cong-thuong-to-chuc-quan-triet-luat-to-cao-nam-2018-154872.html