Thanh tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, phát hiện những gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 7/4, ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải - cho biết: 'Thanh tra đang rà soát các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe và nghi vấn một số trung tâm có dấu hiệu bất thường. Theo đó, chúng tôi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an'.
Trước lo ngại làn sóng đóng cửa nhiều trung tâm sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) nếu xảy ra sai phạm giống như đăng kiểm thời gian qua, ông Hoàng cho biết, việc này chỉ xảy ra tại một vài đơn vị.
"Ví dụ hàng trăm trung tâm nghi ngờ vài trung tâm. Vừa rồi, có 3 đoàn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là Cục Đường bộ, Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ GTVT thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi đi kiểm tra trách nhiệm của giám đốc Sở GTVT 63 tỉnh thành liên quan đến đào tạo, sát hạch GPLX", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng thông tin, đoàn đã phát hiện một số tồn tại trong quản lý công tác đào tạo: Nhiều Sở GTVT để cơ sở đào tạo gửi báo cáo tiếp nhận danh sách học viên một số khóa học qua phần mềm chậm hơn quy định; một số Sở GTVT còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành)...
Trong công tác sát hạch, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện một số Sở GTVT duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất qua thiết bị DAT (theo quy định phải báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT; đủ số km thực hành lái xe trên đường, có dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động).
Qua hình ảnh lưu trữ, tại một số kỳ sát hạch, trong phòng sát hạch lý thuyết lái xe mô tô hạng A1 có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau khi làm bài, sát hạch viên trao đổi, hỗ trợ thí sinh.
Bên cạnh đó, nhiều Sở GTVT chưa xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1, A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt.
Một số Sở GTVT chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; chưa kiểm tra, giám sát công tác đào tạo hoặc có kiểm tra, giám sát nhưng còn mang tính hình thức, không đúng thực tế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, một hạn chế nữa mà Thanh tra Bộ GTVT nêu ra, đó là thiết bị DAT mới được triển khai từ ngày 15/6/2022, hoạt động thời gian đầu có lúc chưa ổn định; phần mềm DAT chưa quy định đầy đủ những tính năng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.
Thanh tra Bộ GTVT cũng đã báo cáo Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan (thuộc Bộ) rà soát, đánh giá đề xuất, kiến nghị của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này tại địa phương, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực; tổ chức thực hiện nghiêm các tồn tại, sai sót, kiến nghị đã được các Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT chỉ ra hoặc qua thông tin phản ánh của báo chí, người dân và doanh nghiệp.
Cả nước hiện có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ôtô, 463 cơ sở đào tạo lái môtô.