Thanh tra chỉ ra lãng phí 2.374 tỷ đồng trước khi cựu lãnh đạo NXB Giáo dục bị bắt
Trước khi cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - ông Nguyễn Đức Thái bị bắt, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Thái (61 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngoài ra, một cựu lãnh đạo khác của NXB Giáo dục Việt Nam cũng bị bắt trong vụ án này là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam).
Theo điều tra, ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với các bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng).
Trước khi cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can, hồi cuối tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 2203/TB-TTCP, chỉ ra nhiều sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong đó có một số mục sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin sang Bộ Công an.
Trong số đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra “Nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, Nhà xuất bản chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 đến 3 đơn vị được Nhà xuất bản lựa chọn cung cấp giấy in sách giáo khoa trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của Nhà xuất bản (tương ứng 1.890 tỷ đồng). Kiểm tra xác suất cho thấy, giá giấy in của công ty này bán cho Nhà xuất bản cao bình quân gấp 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).
Theo điều tra của cơ quan công an, sau khi trúng thầu, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty giấy Phùng Vĩnh Hưng là bà Tô Mỹ Ngọc đã chuyển lợi ích vật chất cho cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Nguyễn Đức Thái và cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. Bà Tô Mỹ Ngọc cũng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các sai phạm dẫn đến giá sách giáo khoa tăng bất thường, nhiều học sinh không thể sử dụng các sách giáo khoa cũ, nên phát sinh lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội với số tiền tạm tính hàng nghìn tỷ đồng. “Giá các bộ SGK lớp 1 mới của năm học 2020 – 2021 bình quân gấp 2 đến 2,5 lần so với giá bộ SGK lớp 1 của năm học 2019 – 2020”. – Kết luận thanh tra nêu.
Cũng theo Kết luận thanh tra, Nhà xuất bản chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục đào tạo nhưng đã thực hiện tăng giá sách giáo khoa 16,9% từ năm học 2019-2020.
Từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách giáo khoa đã được in, phát hành và bán được tổng số hơn 303 triệu bản. Trường hợp tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội thì giá trị lãng phí (tạm tính) là hơn 2.374 tỷ đồng". – Nội dung được nêu trong Kết luận thanh tra./.