Thanh tra Chính phủ vào cuộc, lộ nhiều sai phạm tại chung cư của Shark Việt
Tại dự án Intracom 1 Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chủ đầu tư đã biến tầng kỹ thuật, áp mái... thành căn hộ để bán, việc cấp sổ đỏ cho hàng chục căn hộ xây sai phép ký hợp đồng sau ngày 8/4/2014 là không đúng quy định…
Biến tầng kỹ thuật, áp mái… thành căn hộ để bán thu lợi bất hợp pháp
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về hàng loạt nội dung khiếu nại, tố cáo về những sai phạm tại chung cư Intracom 1 Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Công ty Intracom) làm chủ đầu tư đầu tư.
Tại dự án, cư dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng không được xử lý dứt điểm. Theo TTCP, mặc dù đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đủ điều kiện để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền nhưng UBND TP không thụ lý, giải quyết và ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo mà chỉ ban hành các văn bản trả lời kiến nghị, phản ánh.
Sau khi TTCP thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của ông dân đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án tồn tại từ năm 2015.
Đối với nội dung tố cáo chủ đầu tư cố ý xây dựng sai phép, tự ý thay đổi công năng một số tầng, chia thành căn hộ để bán, kết quả kiểm tra của TTCP cho thấy từ năm 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm tại tòa nhà Intracom 1 Trung Văn.
Theo đó, Công ty Intracom tự thay đổi về chiều cao các tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, chuyển đổi công năng sử dụng tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng tum nhằm tăng số căn hộ để bán.
Cụ thể, tầng kỹ thuật tòa nhà được Công ty Intracom xây tường ngăn chia và chuyển đổi thành 11 căn hộ để bán; tăng chiều cao tầng áp mái 0,2m, xây tường ngăn thành 11 căn hộ để bán; giảm chiều cao tầng tum 0,15m, mở rộng diện tích tầng tum thêm 996m2, sau đó xây tường ngăn thành 11 căn hộ để bán.
Công ty Intracom cũng tự ý giảm 0,17m chiều cao các tầng từ 2-25 của tòa nhà; giảm bề rộng hành lang từ 2m xuống 1,9m để tăng diện tích căn hộ.
Về việc cư dân phản ánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội bao che cho chủ đầu tư, không xử lý dứt điểm các sai phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân chung cư Intracom 1, Thanh tra Chính phủ cho hay: Đối với Thanh tra Bộ Xây dựng, qua kiểm tra, tháng 4/2015 đoàn thanh tra Bộ Xây dựng cùng với UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Trung Văn đã phát hiện sai phạm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt hành chính Intracom 40 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm 930 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng không có văn bản phối hợp hay chuyển hồ sơ vụ việc đến UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng để yêu cầu, hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch thiết kế.
Công ty Intracom đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để đề nghị hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được việc điều chỉnh, kiểm tra nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Cũng theo TTCP, từ khi cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Intracom tại dự án (năm 2011) đến khi công trình được bàn giao cho khách hàng và đi vào sử dụng, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Trung Văn không thực hiện việc kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng.
“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên trung ương thời gian vừa qua, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nên xảy ra các sai phạm nêu trên”- kết luận của TTCP nêu.
Cấp sổ đỏ hàng chục căn hộ không đúng quy định
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại dự án, theo TTCP, việc Văn phòng Đăng ký cấp quyền sử dụng đất đai thành phố Hà Nội cấp sổ đỏ cho 80 hộ dân trong đó có 33 căn hộ xây sai phép ký hợp đồng sau ngày 8/4/2014 là không đúng quy định.
“Điều này dẫn đến quyền lợi các hộ dân bị ảnh hưởng, là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện” – TTCP đánh giá.
Đối với Công ty Intracom, không chỉ tự ý chuyển đổi công năng sử dụng tại các tầng thành 33 căn hộ để bán, tự ý thay đổi chiều cao xây dựng các tầng so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, TTCP cũng chỉ rõ việc Công ty Intracom đã ký hợp đồng bán nhà cho dân sai mẫu hợp đồng Bộ Xây dựng ban hành; chủ đầu tư không phân định rõ phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; lập ban quản lý tòa nhà để vận hành tòa nhà sai quy định; trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị; thu chi quỹ bảo trì chung cư không đúng quy định, không công khai, minh bạch...
Đối với hành vi tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng tum thành 33 căn hộ để bán, TTCP đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, truy thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Intracom nếu có. Nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho các hộ thuộc chung cư Intracom 1 trong khi các hợp đồng mua bán nhà chung cư không đúng theo mẫu quy định...
Đối với Công ty Intracom, TTCP yêu cầu xem xét lại phần diện tích căn hộ, thỏa thuận với người dân để đảm bảo quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng do chiều cao căn hộ giảm, diện tích căn hộ không được tính theo diện tích sử dụng (đối với 80 căn hộ ký sau ngày 8/4/2014); Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì có quyền khởi kiện tại TAND quận Cầu Giấy.
Phối hợp với UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu bầu ra Ban quản trị tòa nhà xong trước ngày 30/6.
TTCP đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát lại việc xử lý các vi phạm tại tòa nhà, bảo đảm tính đúng, tính đủ mức xử phạt vi phạm hành chính và mức thu lợi bất hợp pháp của Công ty Intracom. Đồng thời, chuyển hồ sơ tới UBND TP giải quyết triệt để các vi phạm cần khắc phục. Nghiêm túc rút kinh nghiệm về các hạn chế, yếu kém trong công tác thanh tra.
Đối với UBND TP Hà Nội, TTCP đề nghị thụ lý giải quyết các nội dung khiếu nại tố cáo của công dân theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra đối với công tác quản lý trật tự xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Nam Từ Liêm kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan.
Được biết, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Công ty Intracom) do ông Nguyễn Thanh Việt – “Shark Việt” làm chủ tịch HĐQT Công ty
Ông Việt được biết đến rộng rãi khi trở thành một trong số nhà đầu tư của chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam.
Công ty Intracom cũng được biết đến là chủ đầu hàng loạt dự án thủy điện lớn như: dự án Thủy điện Nậm Pung, dự án thủy điện Tà Lơi 1, 2 và 3, dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 hay dự án Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Bắc Từ Liêm)...
Ngoài dự án Intracom Trung Văn, Công ty Intracom là chủ đầu tư của dự án Intracom Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Dự án Intracom Riverside tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại 2 dự án nhà chung cư trên và chỉ ra nhiều vi phạm.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tại tòa nhà chung cư Intracom 1, chủ đầu tư chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì, chậm thông báo cho Sở Xây dựng về việc mở tài khoản kinh phí bảo trì là vi phạm Luật Nhà ở năm 2014.
Ngoài ra, chủ đầu tư gửi phí bảo trì 4 năm (năm 2015-tháng 6/2019) không kỳ hạn là vi phạm Nghị định 99 của Chính phủ.
Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ tháng 6/2016 công trình được đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa đóng kinh phí bảo trì đối với 7 căn hộ chưa bán và phần diện tích các khu dịch vụ mà chủ đầu tư giữ lại là vi phạm Luật Nhà ở năm 2014. Đến ngày 10/3/202, chủ đầu tư mới khắc phục và đã đóng gần 1,2 tỷ đồng vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Tại thời điểm thanh tra tháng 12/2020, dù công trình được đưa vào sử dụng gần 5 năm nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ra ban quản trị...
Tại dự án chung cư Intracom Riverside, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, Công ty Intracom chậm thông báo cho Sở Xây dựng về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì. Theo đó, số tiền phí bảo trì trong tài khoản có kỳ hạn là 22 tỷ đồng.
Tại thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư chưa đóng 2% giá trị phần diện tích giữ lại vào tài khoản ngân hàng với số tiền 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện chủ sở hữu 34 căn hộ chưa nộp kinh phí bảo trì…