Thanh tra Chính phủ: Xử lý tham nhũng với tinh thần 'trốn cũng không thể thoát tội'

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản với sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri tỉnh An Giang gửi kiến nghị đến TTCP, ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được triển khai hiện nay.

Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ Việt Á hồi đầu tháng 1-2024. Ảnh: Nam Anh

Các bị cáo tại phiên tòa xử vụ Việt Á hồi đầu tháng 1-2024. Ảnh: Nam Anh

Cử tri đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng phòng là chính, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tham nhũng đối với số tiền lớn. Đồng thời, thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trả lời nội dung này, TTCP nêu rõ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác này đã có bước đột phá quan trọng; tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Theo TTCP, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng về kinh tế được tiến hành kiên quyết, nghiêm minh; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

"Vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân, doanh nghiệp... trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được quan tâm chú trọng, phát huy"- TTCP cho hay.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản với sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi...

Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Phòng chống tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nhiều địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần "trốn cũng không thể thoát tội".

Điển hình như các vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo; vụ án Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh...

Đáng chú ý, trong nhiều năm trở lại đây, công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng của các cơ quan chức năng đều tăng về số vụ trong phạm vi cả nước, cả ở Trung ương và địa phương với việc xử lý ngày càng nghiêm minh, triệt để hơn.

Đặc biệt, theo cơ quan thanh tra, đã tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Số liệu khởi tố đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy: năm 2019 đã khởi tố 15 vụ; năm 2020 khởi tố 25 vụ/26 bị can; năm 2021 khởi tố 24 vụ/30 bị can; năm 2022 khởi tố 40 vụ/48 bị can; năm 2023 khởi tố 71/126 bị can.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thanh-tra-chinh-phu-xu-ly-tham-nhung-voi-tinh-than-tron-cung-khong-the-thoat-toi-196240206082933168.htm