Thanh tra chuyển 1.090 vụ và 870 đối tượng sang cơ quan điều tra
Trong 2 năm rưỡi, cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 337.300 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.090 vụ, 870 đối tượng.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực thanh tra. Chính phủ khẳng định đã ban hành kịp thời nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, trong 2 năm rưỡi (2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023), ngành đã triển khai gần 16.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 355.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra đã ban hành 365.000 kết luận thanh tra.
Quá trình thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 337.300 tỷ đồng, hơn 18.400ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi trên 197.500 tỷ đồng và gần 1.400ha đất. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 6.655 tập thể và 17.775 cá nhân. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.090 vụ, 870 đối tượng.
Xử lý sau thanh tra với hơn 20.000 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 5.100 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 47%), 663ha đất; xử lý khác về kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 47,6%). Ngoài ra, cơ quan thanh tra xử lý hành chính 8.211 tổ chức (đạt 94%), 19.111 cá nhân (đạt 93%) và chuyển cơ quan điều tra 245 vụ, 353 đối tượng; khởi tố 29 vụ, 92 đối tượng…
Chính phủ cho rằng, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra. Kết quả này đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chính phủ cũng cho biết, về định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra bám sát định hướng chương trình. Trong đó, tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung lĩnh vực phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo.
Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, kiến nghị hoàn thiện chính sách.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.