Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT mang lại hiệu quả cao

Thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, trong giai đoạn 2016-2020, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Sự tham gia của lực lượng liên ngành góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.

Sự tham gia của lực lượng liên ngành góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.

Thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế- xã hội, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt công tác BHXH, BHYT; ban hành những quy định tạo thuận lợi cho người dân, NLĐ nên số người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT ngày càng tăng. Năm 2020, số người tham gia BHXH tăng 23,36% (hơn 3 triệu người) so với năm 2016, chiếm khoảng 32,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT tăng 15,96% (12,1 triệu người) so với năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số- vượt 0,15% so với chỉ tiêu tại Quyết định 1167 của Chính phủ. Số lượt KCB BHYT tăng hơn 20,9 triệu lượt người (tăng 14,24%); chi phí KCB BHYT tăng 33.511 tỷ đồng (tăng 48,28%) so với năm 2016...

Theo BHXH Việt Nam, số lượt người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT tuy lớn, nhưng hiện nay cơ quan BHXH mới chỉ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, còn trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT mới chỉ dừng ở chức năng kiểm tra. Năm năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã đi vào nề nếp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, trong đó kết hợp đồng thời hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT với hoạt động kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Qua thực tế triển khai đã khẳng định rõ, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành rất quan trọng, là công cụ không thể thiếu trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Theo Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam), trong giai đoạn 2016-2020, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 35.060 đơn vị, DN. Qua công tác này đã phát hiện, yêu cầu các đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia, đóng bổ sung thời gian cho 106.590 NLĐ do chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu vào quỹ BHXH, BHYT lên tới 405,6 tỷ đồng; bổ sung mức đóng cho 133.655 NLĐ với số tiền truy thu vào quỹ BHXH, BHYT 258,5 tỷ đồng; yêu cầu khắc phục 8.955,6 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, trong đó các đơn vị đã khắc phục được 6.339,4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian thanh tra, các đơn vị đã nộp được 3.600 tỷ đồng tiền nợ.

“Qua từng năm, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng, số đơn vị được thanh tra tăng dần theo từng năm, chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT”- ông Trần Đức Long- Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra cho biết.

Thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn Ngành đã gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 114,5 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã chấp hành quyết định xử phạt 30,3 tỷ đồng… Tuy nhiên, số lượng DN bị xử phạt vẫn còn thấp so với số đơn vị chậm đóng, nợ tiền BHXH, BHYT; số đơn vị chấp hành quyết định xử phạt trong giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ đạt hơn 26%. Đáng nói, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYTchưa đủ sức răn đe nên nhiều đơn vị SDLĐ sau khi bị xử phạt, lại tiếp tục có các hành vi vi phạm như chiếm dụng tiền BHXH, BHYT kéo dài và tái phạm nhiều lần.

Cũng theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam cùng với các cấp Công đoàn đã ký quy chế phối hợp khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, đã phối hợp tham gia xây dựng Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) hướng dẫn áp dụng các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến BHXH, BHYT. Tính đến hết tháng 12/2020, đã có 29 BHXH tỉnh, thành phố chuyển 302 hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đến nay hầu hết hồ sơ chưa được xử lý, do vướng mắc trong các văn bản pháp luật, như việc cơ quan BHXH chưa có chức năng thanh tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT, chưa có hồ sơ xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực này…

Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng luật hóa việc thành lập cơ quan thanh tra của ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra BHXH để phù hợp với chức năng, vị trí pháp lý của BHXH Việt Nam.

Tạp chí BHXH VN

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/thanh-tra-chuyen-nganh-dong-bhxh-bhyt-mang-lai-hieu-qua-cao-282352-85.html