Thanh tra góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật

Tại dự thảo lần 3 Luật Thanh tra (sửa đổi) nêu rõ, mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ đã có công văn gửi dự thảo Luật lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức tổng hợp các ý kiến góp ý. Các ý kiến góp ý nhìn chung đều nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo.

Liên quan đến thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung đầy đủ các chức danh có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra bao gồm cả thủ trưởng các cơ quan thanh tra quy định tại Điều 40, 41, 42 dự thảo Luật.

 Một buổi tiếp công dân do Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chủ trì. (Ảnh minh họa)

Một buổi tiếp công dân do Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chủ trì. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, theo Thanh tra Chính phủ giải trình, thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra của các chức danh quy định tại dự thảo là thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan thanh tra trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động thanh tra trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước khác về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn so với hoạt động thanh tra tại các cơ quan khác của nhà nước quy định tại các Điều 40, 41, 42 dự thảo (hoạt động thanh tra của các cơ quan quy định tại các Điều 40, 41, 42 dự thảo thực chất là hoạt động thanh tra thủ trưởng, hướng vào nội bộ cơ quan, ngành đó, không hướng ra bên ngoài, ngoại trừ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hai cơ quan thuộc Chính phủ nhưng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành).

Do vậy, để phù hợp với đặc thù hoạt động thanh tra tại các cơ quan khác của nhà nước, dự thảo Luật quy định: Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động thanh tra của TAND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Tại dự thảo lần 3 Luật Thanh tra (sửa đổi) nêu rõ, mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hoạt động thanh tra phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra và giữa Cơ quan thanh tra với Cơ quan kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra của TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước. Theo đó, các cơ quan này thành lập cơ quan thanh tra giúp Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của 3 cơ quan.

Về bố cục, dự thảo 3 Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 10 chương và 131 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra trong cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác của nhà nước. Dự thảo Luật quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: Cố ý không ra Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/thanh-tra-gop-phan-phong-ngua-phat-hien-va-xu-ly-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-104520.html