Thanh tra hé lộ nguyên nhân gây thiếu điện, cắt điện diện rộng, đột ngột
Những vấn đề liên quan đến cung ứng than, vận hành các hồ thủy điện... tại kết luận thanh tra đã hé lộ phần nào nguyên nhân thiếu điện vừa qua.
Một số nhà máy thiếu than
Theo tài liệu của PV Báo Giao thông, Kết luận 4463/KL-BCT về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện.
Theo đó, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than thực hiện năm 2021-2022 đạt thấp hơn so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt.
Cụ thể, riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than cơ bản bám sát kế hoạch của Bộ Công thương và vượt 2,3% so với phương thức huy động điện tháng kế tiếp của A0.
Tuy nhiên, qua kết quả thống kê sản lượng điện hàng tháng cho thấy, sản lượng điện phát thực tế của một số nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) có sự dao động (tăng, giảm) lớn so với phương thức huy động điện tháng của A0 và kế hoạch của Bộ Công thương. Trong đó, có thời điểm huy động điện thực tế thấp hơn nhiều so với Phương thức huy động điện tháng của A0 nhưng tăng cao ngay sau đó hoặc ngược lại.
Việc huy động sản lượng điện phát biến động lớn đã gây khó khăn trong điều hành, chuẩn bị nhiên liệu than của các NMNĐ. Việc huy động điện giảm so với kế hoạch và duy trì trong khoảng thời gian dài (các năm 2021-2022) đã ảnh hưởng đến sự chủ động trong việc thu xếp nhiên liệu than cho vận hành của các NMNĐ.
Kết luận cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cơ bản cung cấp đủ khối lượng than cam kết tại Hợp đồng mua bán than năm 2023 đã ký, dự kiến cả năm 2023 cấp đạt và vượt khối lượng than đã cam kết tại Hợp đồng năm 2023.
Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng thiếu than cục bộ ở một số NMNĐ tại thời điểm đầu năm và kéo dài đến tháng 5.
Điều này thể hiện qua việc dự phòng nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp so với nhu cầu phát điện (ngoại trừ một số NMNĐ: Duyên Hải 3 mở rộng, Quảng Ninh, Ninh Bình có lượng than tồn kho đạt theo định mức) và/hoặc ngừng huy động do thiếu than.
Theo báo cáo của A0, Hải Phòng dừng 38 ngày/tổ máy; Uông Bí mở rộng dừng 9 ngày/tổ máy; Duyên Hải 1 dừng 17 ngày/tổ máy; Duyên Hải 3 dừng 17 ngày/tổ máy; Vĩnh Tân 2 dừng 29 ngày/tổ máy; Vĩnh Tân 4&4 mở rộng dừng 76 ngày/tổ máy.
“Các NMNĐ xảy ra thiếu than phần lớn thuộc quản lý của EVN”, kết luận nêu.
Qua báo cáo EVN, đoàn thanh tra thấy rằng EVN, các đơn vị thành viên, chủ đầu tư NMNĐ đã lập kế hoạch, triển khai, thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tiếp nhận than.
Kiểm tra xác suất tại NMNĐ Vĩnh Tân 4&4 mở rộng và qua báo cáo của EVN cho thấy, EVN/GENCO3 triển khai chậm nạo vét luồng cảng biển Vĩnh Tân, ảnh hưởng khả năng tiếp nhận tàu than cỡ lớn làm giảm năng suất tiếp nhận than, công tác chuẩn bị nguồn than của NMNĐ Vĩnh Tân 4, có phần ảnh hưởng đến việc duy trì sẵn sàng, đầy đủ lượng than dự trữ định mức trong kho bảo đảm đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện.
EVN có Công văn số 5188/EVN-KTSX ngày 31/7/2020 về định mức than tồn kho cho các NMNĐ. Tuy nhiên, qua kết quả thống kê than tồn kho theo tháng cho thấy, than tồn kho năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 của nhiều NMNĐ (trong đó có các NMNĐ EVN và các GENCO) thấp hơn so với định mức.
Đặc biệt một số NMNĐ duy trì mức tồn kho thấp kéo dài hoặc thấp đến mức báo động phải dừng tổ máy.
“Như vậy, các chủ đầu tư NMNĐ chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng đến việc đảm bảo dự phòng để vận hành nhà máy ổn định, an toàn, thể hiện ở việc không đủ than cho sản xuất điện tại một số thời điểm năm 2022 và một số tháng đầu năm 2023”, kết luận thanh tra chỉ ra tồn tại.
Vận hành thủy điện có vấn đề
Cũng theo kết luận thanh tra, từ tháng 7/2022, các đơn vị của EVN vẫn tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc. Bao gồm 8 hồ chứa thủy điện là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà (thuộc lưu vực sông Hồng); Trung Sơn (thuộc lưu vực sông Mã); Bản Vẽ (thuộc lưu vực sông Cả).
Điều này làm giảm mực nước các hồ so với kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 mặc dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn về lưu lượng nước về chỉ đạt 60-80% so với trung bình nhiều năm.
Kết luận thanh tra cho rằng: Việc huy động vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên làm giảm mực nước các hồ chứa so với kế hoạch năm và thấp hơn đáng kể so với mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 và dẫn đến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện.
Trong các tháng 3, 4, 5 năm 2023 các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn đến giảm mực nước các hồ thủy điện.
Theo kết luận thanh tra, việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022, làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021.
Đồng thời, đoàn thanh tra Bộ Công thương kết luận: Việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN tại Thông báo số 722/TB-EVN ngày 30/12/2022 làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc.
Vận hành các nguồn điện chưa nhịp nhàng
Theo Báo cáo số 2120/ĐĐQG-VP ngày 19/6/2023 của A0 báo cáo Đoàn thanh tra, trong 3 tháng đầu năm 2023, hệ thống điện quốc gia vận hành bám sát kế hoạch năm. Bước sang tháng 4, xuất hiện nhiều yếu tố biến động xảy ra đồng thời đã ảnh hưởng việc cấp điện.
Báo cáo đoàn thanh tra, A0 nêu: Ngay khi nhận thấy tình hình cung cấp điện xấu đi nhanh chóng, điều độ quốc gia đã có nhiều văn bản báo cáo tập đoàn điện lực.
“Do phụ tải tăng, thiếu sản lượng từ nhiệt điện than, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh nên đến hết tháng 4, lượng nước tích trong các hồ thủy điện hụt so với kế hoạch năm là 1,632 tỷ kWh”, A0 báo cáo.
Đoàn thanh tra cho rằng: Các diễn biến vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh và các yếu tố biến động nêu trên kết hợp với việc không huy động các nguồn điện than lớn miền Nam (Duyên Hải 2-1.320MW, Duyên Hải 3-1.245MW và Duyên Hải 3 mở rộng 688MW) trong thời gian đầu tháng 4/2023, dẫn đến các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu tại miền Bắc phải khai thác bổ sung để truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam. Bên cạnh đó, một số nguồn điện chạy dầu đã được huy động để đáp ứng phụ tải đỉnh miền Nam.
Hệ quả là mực nước của một số nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc dự phòng công suất cho hệ thống điện.
Đến hết tháng 4/2023, sản lượng tích nước trong các hồ thủy điện toàn hệ thống đã thiếu hụt 1,632 tỷ kWh (riêng miền Bắc thiếu hụt 576 triệu kWh) so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023, làm giảm lượng dự phòng công suất, điện năng của hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc. Điều này cũng làm một số hồ chứa thủy điện vi phạm mực nước vận hành trong mùa khô theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
“Thực tế vận hành, nhiều thời điểm tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc trong các tháng 5, 6 chỉ đạt hơn 17.000MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện, dẫn đến phải thực hiện tiết giảm điện ở các địa phương khu vực miền Bắc trong tháng 5, 6/2023”, kết luận nêu.