Thanh tra, kiểm soát thi: 'Sạch' từ ý thức đến hành vi

Bên cạnh việc ôn luyện cho học sinh, chuẩn bị nhân lực, vật lực, công tác phòng ngừa gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại các địa phương được đặc biệt quan tâm.

Cán bộ làm công tác thi tốt nghiệp THPT tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn nghiệp vụ.

Cán bộ làm công tác thi tốt nghiệp THPT tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn nghiệp vụ.

Việc “quán triệt” quy chế, nội quy tới học sinh, cán bộ, GV tham gia được ngành GD triển khai quyết liệt, qua đó hạn chế tối đa sơ suất không đáng có.

Hạn chế vi phạm do không nắm rõ quy chế

Theo ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, năm nay Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Do vậy, việc chuẩn bị và tổ chức kỳ thi được quán triệt và thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của quy chế thi.

Nhân sự tham gia công tác thi ở tất cả khâu đều được chọn lựa theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực để thực hiện nhiệm vụ và được tập huấn kỹ càng về quy chế thi, quy trình. Nhân sự tham gia các khâu chủ chốt được sở và cơ quan chức năng thẩm định kỹ về nhân thân, năng lực.

Với học sinh, ông Liêm có lời khuyên: "Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi, các em ôn tập theo hướng dẫn của nhà trường; tăng cường tự ôn để nắm chắc kiến thức, kỹ năng; giữ gìn sức khỏe trong thời gian ôn tập và thi. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ những việc thí sinh được làm và không được làm theo quy định của quy chế thi để không vi phạm đáng tiếc".

Tại tỉnh Tiền Giang, việc tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có điểm mới quan trọng. Cụ thể là sau khi tập huấn, các cán bộ làm công tác thi phải tham gia thực hiện 1 bài kiểm tra (test) để đánh giá năng lực, hiểu biết về quy chế thi.

Theo ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, sở quán triệt thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, hiệu trưởng trường phổ thông không được chủ quan, lơ là ở bất kỳ khâu nào trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi; Coi trọng khâu tập huấn nghiệp vụ thi, thủ trưởng các đơn vị phải nắm chắc quy chế thi; Tổ chức tập huấn nghiêm túc tại đơn vị để 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị nắm rõ quy chế thi. Đặc biệt phổ biến quy chế thi cho 100% học sinh lớp 12 của nhà trường, tránh việc các em không nắm rõ quy chế dẫn đến vi phạm trong kỳ thi.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Tiền Giang phải bảo đảm khách quan, công bằng và phản ánh trung thực chất lượng dạy - học ở nhà trường", ông Oanh nhấn mạnh.

Công tác phòng ngừa gian lận Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được đặc biệt quan tâm.

Công tác phòng ngừa gian lận Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được đặc biệt quan tâm.

Đề cao ý thức và tinh thần trách nhiệm

Một trong những vấn đề được quan tâm trong tổ chức kỳ thi vẫn là công tác nhân sự, nhất là ở các khâu quan trọng bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể mang lại rủi ro cho toàn bộ kỳ thi. Bên cạnh đó, công tác in sao, vận chuyển đề thi cũng cần lưu ý.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, vấn đề cử nhân sự tham gia công tác thi là nhiệm vụ chính trị của toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Vì vậy, Sở đề nghị lãnh đạo các trường có trách nhiệm đề cử nhân sự phù hợp và lập đầy đủ danh sách số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi tỉnh Hậu Giang, kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, tăng cường sự tự chủ, các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, tổ chức. Chính vì vậy, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là sở GD&ĐT cần phân công rõ nhiệm vụ, quy trách nhiệm cho các thành viên để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Một trong những giải pháp được tỉnh Đồng Tháp triển khai là các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi cam kết thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo thống nhất cam kết thực hiện đúng quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ban Chỉ đạo thi các cấp bảo đảm cơ sở vật chất, an toàn cho thí sinh. Tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong quá trình sao in, vận chuyển đề thi, công tác coi thi…

Tại tỉnh Cà Mau, Sở GD&ĐT cũng mở “đường dây nóng” để ghi nhận những phản ánh về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Thông qua đây, các thắc mắc, phản ánh sẽ được ghi nhận và giải quyết nhanh chóng. “Đường dây nóng” bao gồm điện thoại cố định cơ quan và điện thoại di động của lãnh đạo và các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi của sở.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thanh-tra-kiem-soat-thi-sach-tu-y-thuc-den-hanh-vi-1595326929319.html