Thanh tra, kiểm toán nội bộ hiệu quả là công cụ giúp trường ĐH hạn chế vi phạm

Theo quan điểm Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, nếu hoạt động thanh tra, kiểm toán nội bộ không được đẩy mạnh sẽ còn dẫn đến nhiều vi phạm trong trường học.

Ngày 2/8, Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức đã diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở Nam Định).

Thanh tra nội bộ, kiểm toán nội bộ để hạn chế vi phạm trong trường học

Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết: Thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra nội bộ đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Trong các cơ sở giáo dục đại học, hoạt động này được thể hiện qua việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục đại học, thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình và nội dung đào tạo, phương pháp giáo dục cũng như quy chế chuyên môn, quy chế thi cử.

Bên cạnh đó là việc thực hiện cấp phát văn bằng, chứng chỉ; các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản; quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của trường hay các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế..

 Tiến sĩ Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và Giải pháp". Ảnh: Lã Tiến

Tiến sĩ Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và Giải pháp". Ảnh: Lã Tiến

Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá từ ông Lê Việt Long, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại trường học vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.

Theo đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa xây dựng và tổ chức thanh tra nội bộ theo Luật Thanh tra 2022.

Trên thực tế, các hoạt động thanh tra nội bộ, kiểm toán nội bộ vẫn chưa được cụ thể hóa và đưa vào thực tiễn trong công tác quản lý để đánh giá rủi ro và hiệu quả.

Mặt khác, đội ngũ nhân sự chuyên trách thực hiện nghiệp vụ, chuyên môn để tổ chức tại các đơn vị đào tạo vẫn chưa được đáp ứng.

“Lấy ví dụ, cuối tháng 3 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát, thống kê các cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học. Theo đó, kết quả rà soát thu được là nhiều ngành học không có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo và chưa có đủ số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.

Đến năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo dừng tuyển sinh với 207 ngành trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo. Hành động này thể hiện quyết tâm chấn chỉnh chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học của Bộ, qua đó có sự cân đối, điều chỉnh để nâng cao chất lượng giáo dục.

Vậy nên, nếu hoạt động thanh tra, kiểm toán nội bộ không được đẩy mạnh thì sẽ còn dẫn đến nhiều vi phạm trong trường học”, Tiến sĩ Lê Việt Long nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương còn nêu ví dụ về những vi phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hoạt động tự chủ.

Cụ thể như việc chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền ban hành văn bản. Một số trường hợp đã ban hành văn bản nhưng quy chế chưa đầy đủ và chưa đúng quy định pháp luật; còn nhiều vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức; xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ còn chưa hợp lý; quyết định mở ngành khi chưa có đủ điều kiện hay chưa kịp thời rà soát, thẩm định chương trình đào tạo dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Theo đó, vẫn còn một số vi phạm về công tác quản lý tài chính, tài sản như việc mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa có sự cân đối và còn bất hợp lý.

Đối với hoạt động kiểm toán nội bộ trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục sẽ có khả năng đánh giá, phát hiện và phòng ngừa các rủi ro của đơn vị đào tạo một cách phù hợp.

Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ thấy được những sai sót, vi phạm còn tồn tại. Qua đó đề xuất những biện pháp hợp lý hóa để cải tiến quy trình nghiệp vụ và hoàn thiện chính sách, cơ cấu tổ chức và đảm bảo mục tiêu đã đặt ra của từng đơn vị.

Vận dụng thanh tra nội bộ trong công tác đào tạo - giáo dục như thế nào?

Đổi mới giáo dục là xu hướng tất yếu và cần thiết triển khai để đảm bảo hiệu quả công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và xã hội.

Gắn liền với đổi mới giáo dục chính là hoạt động đổi mới trong cơ chế quản lý bao gồm cơ chế đào tạo, cơ chế liên kết, hợp tác đào tạo, cơ chế quản lý tài sản, tài chính…

Việc phát huy mối quan hệ hợp tác và nâng cao năng suất của giảng viên, hiệu suất của tài sản , tài chính sẽ mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Tiến sĩ Lê Việt Long, để đảm bảo hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là việc làm cần thiết để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm.

Bên cạnh đó cần tăng cường đánh giá rủi ro, thông qua việc thực hiện kế toán nội bộ, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự phân tích, đánh giá rủi ro ngành nghề, rủi ro cơ chế, rủi ro đào tạo để kịp thời kiến nghị chuyển dịch cơ cấu đào tạo, xây dựng ngành nghề đào tạo cũng như hạn chế vi phạm có thể xảy ra.

Trên thực tế, vận dụng hoạt động thanh tra nội bộ trong công tác đào tạo được thực hiện qua nhiều nội dung như đánh giá việc thực hiện pháp luật trong công tác tuyển sinh, đào tạo, tổ chức; đánh giá cơ cấu giáo viên cơ hữu, hiệu quả các ngành đào tạo, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học….

Tại các dự án đầu tư, tài sản sở hữu và tài sản sử dụng, hoạt động thanh tra nội bộ sẽ đánh giá, xem xét trình tự, thủ tục tiến hành dự án, đầu tư, mua sắm tài sản, công tác đấu thầu, thanh quyết toán…

Mặt khác đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản theo đúng quy định pháp luật, qua đó có sự giám sát về tài chính trong các hoạt động tổ chức, thu chi tại từng đơn vị.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp". Ảnh: Lã Tiến

Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp". Ảnh: Lã Tiến

Áp dụng với hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ của các cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Việt Long cho rằng hoạt động thanh tra nội bộ sẽ được vận dụng ở nhiều góc độ khác nhau.

“Về tiêu chuẩn và điều kiện liên kết, hoạt động thanh tra nội bộ thể hiện qua hành động đánh giá việc tổ chức và ký kết liên kết đào tạo, đánh giá đơn vị liên kết có đủ tiêu chí đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra.

Qua đó sẽ giúp các trường đưa ra kiến nghị để hoàn thiện các điều kiện thực hiện liên kết đào tạo nhân lực ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tổ chức đúng theo những nội dung hợp đồng đã ký kết.

Đối với định mức chi tiêu trong hoạt động liên kết, qua đánh giá các khoản thu trong tất cả hoạt động và định mức thu chi ở từng đơn vị cùng tỷ lệ chi tiêu theo quy định pháp luật, hoạt động thanh tra nội bộ sẽ giúp các đơn vị đào tạo có cơ sở để đưa ra kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính với các khoản chi sai quy định, kiến nghị bổ sung quy chế với khoản chi chưa có quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ; kiến nghị mức trích, mức chi trong hoạt động liên kết…

Với sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ đó sẽ tác động đến việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật phòng chống tham nhũng trong quản lý tài chính của các đơn vị đào tạo.

Từ đó đánh giá hiệu quả của công tác liên kết và đưa ra kiến nghị về việc tiếp tục hay chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo”, ông Lê Việt Long chia sẻ.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thanh-tra-kiem-toan-noi-bo-hieu-qua-la-cong-cu-giup-truong-dh-han-che-vi-pham-post244554.gd