Thanh tra, kiểm tra chú trọng đến phòng ngừa rủi ro
Dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác thanh tra, kiểm tra của Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, để quản lý tốt nguồn ngân quỹ nhà nước, công tác này luôn được Kho bạc Nhà nước chú trọng tại mọi thời điểm.
Thu về ngân sách nhà nước trên 782 triệu đồng từ thanh tra chuyên ngành
Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được KBNN thực hiện tốt. Theo đó, KBNN đã chủ động liên hệ, nắm bắt kế hoạch thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng như: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành (TTCN), kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, tránh việc chồng chéo, trùng lắp.
KBNN đã trình Bộ Tài chính ký ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch TTCN năm 2021 của KBNN. Đồng thời, KBNN đã thực hiện tổng hợp và ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch TTCN năm 2021 của KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Căn cứ kế hoạch TTCN năm 2021 đã được phê duyệt, KBNN và KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai gửi thông báo và bước đầu thực hiện khảo sát, nắm bắt tình hình đối với các đối tượng thanh tra, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch được kịp thời.
Báo cáo từ KBNN cho thấy, trong lĩnh vực TTCN, KBNN chú trọng thanh tra, kiểm tra công tác chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành… của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Từ đầu năm đến nay, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện 476 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (trong đó có 8 cuộc từ kỳ trước chuyển sang), phát hiện tổng số tiền vi phạm trên 14,9 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi trên 1 tỷ đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác trên 13,9 tỷ đồng.
KBNN đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 46,5 triệu đồng.
Đối với kế hoạch kiểm tra nội bộ, KBNN ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2021 của KBNN. Căn cứ kế hoạch này, KBNN và các KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ và trực tiếp kiểm tra tại Văn phòng KBNN tỉnh, KBNN quận, huyện.
Việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên công tác kiểm tra nội bộ đã giúp KBNN phát hiện kịp thời những tồn tại sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện được những bất cập của cơ chế chính sách đã ban hành; qua đó có những chấn chỉnh kịp thời đối với những tồn tại và đề xuất kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Từ công tác kiểm tra nội bộ, KBNN cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng cơ chế, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống.
Đẩy nhanh TTCN và tăng cường phòng ngừa rủi ro
Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc phòng, chống dịch, KBNN đã tạm thời hạn chế việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có phát sinh trường hợp nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, căn cứ vào tình hình ổn định của dịch Covid-19 tại từng địa phương, từ nay đến cuối năm, KBNN tiếp tục đẩy nhanh công tác TTCN năm 2021 theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; đôn đốc KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch TTCN đã được Tổng giám đốc KBNN phê duyệt, điều chỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của KBNN các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc nâng cao chất lượng công tác TTCN, đảm bảo đủ chứng lý của kết luận thanh tra trong việc thực hiện các kiến nghị qua TTCN; chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai TTCN, sự phối hợp giữa thanh tra và các bộ phận nghiệp vụ nhằm phát huy được hiệu quả cao trong hoạt động TTCN.
Đồng thời, KBNN tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 5696/CT-KBNN ngày 20/11/2018 của Tổng giám đốc KBNN về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chủ động phòng ngừa rủi ro trong hoạt động của KBNN.
KBNN tăng cường công tác phúc tra, xử lý, khắc phục và chấn chỉnh sau kiểm tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị đảm bảo các tồn tại sai sót được khắc phục một cách triệt để, đúng quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra kiểm tra.