Thanh tra TP Hồ Chí Minh công bố hàng loạt sai phạm tại nhiều đơn vị

Trong những kết luận vừa được công bố ngày 11-5, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những sai phạm tại một số trung tâm bảo trợ xã hội và công tác quản lý, sử dụng ngân sách ở huyện Củ Chi.

Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiều sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè.

Sai phạm tại một số trung tâm bảo trợ xã hội

Thông báo kết luận thanh tra về các nội dung tố cáo liên quan đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị trực thuộc trong thời gian từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-4-2019 cho thấy có nhiều sai phạm trong chi tiêu và thực hiện quy chế hoạt động.

Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số khoản chi có tổng trị giá hơn 750 triệu đồng từ nguồn thu từ thiện đã được chi không đúng mục đích. Trong đó, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè (Trung tâm Thị Nghè) chi hơn 440 triệu đồng; Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (Trung tâm Tam Bình) chi hơn 310 triệu đồng.

Việc tiếp nhận tiền, hàng hóa từ thiện tại Trung tâm Thị Nghè không thực hiện theo quy trình, tổ tiếp nhận được thành lập nhưng thực tế không hoạt động theo quy chế về tiếp nhận quản lý, sử dụng tiền từ thiện. Phiếu kê hàng hóa của kế toán lập có cột ghi nhận số liệu ghi chép trong sổ và ngoài sổ.

Cơ quan thanh tra đã xác định có việc để ngoài sổ sách kế toán với tổng giá trị quy đổi của các loại hàng hóa được tài trợ, từ thiện là hơn 1,1 tỷ đồng (trong đó, năm 2018 là gần 860 triệu đồng; 4 tháng đầu năm 2019 là 244 triệu đồng).

Số tiền này đã chia cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thị Nghè là hơn 760 triệu đồng (gồm năm 2018 gần 720 triệu đồng và 4 tháng đầu năm 2019 là 41 triệu đồng).

Theo đánh giá của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, đây mới chỉ là những số liệu phát hiện bước đầu, vì Trung tâm Thị Nghè đã không cung cấp đủ các chứng từ, sổ sách kế toán, có dấu hiệu che giấu hành vi vi phạm và được lãnh đạo trung tâm qua nhiều thời kỳ thực hiện chủ trương này.

Kết quả thanh tra còn chỉ ra những sai phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ tại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Trung tâm Thị Nghè đã bổ nhiệm bốn trường hợp khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về bổ nhiệm viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là không thực hiện quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Ngoài ra, Trung tâm Gò Vấp bổ nhiệm 18 cán bộ, Trung tâm Thị Nghè bổ nhiệm 8 trường hợp, Cơ sở Bố Lá bổ nhiệm 2 trường hợp… khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh về lý lịch, tiêu chuẩn chính trị.

Trung tâm Thị Nghè bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 10 cán bộ; Cơ sở Đức Hạnh bổ nhiệm lại 5 trường hợp; Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa bổ nhiệm lại 1 trường hợp chưa đúng quy trình, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.

Sáu đơn vị được thanh tra cũng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 17 cán bộ khi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị chưa phù hợp với khung năng lực cán bộ theo đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về công tác quản lý học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa, cơ quan thanh tra kết luận: Việc chuyển học viên bị kỷ luật với hình thức “phê bình trước tập thể học viên" và học viên cá biệt ra khu sinh hoạt riêng, việc xác định thời hạn kỷ luật do Giám đốc tự quyết định, không thể hiện tại Quy chế quản lý học viên của cơ sở là thiếu công khai, minh bạch. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Phú Nghĩa.

Tại Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng quy trình xử lý kỷ luật học viên có nội dung “cách ly sang phòng kỷ luật" và qua kiểm tra thực tế thấy có bố trí một phòng trống để thực hiện cách ly là chưa phù hợp với việc quản lý đối tượng trẻ em, vi phạm quyền của trẻ em.

Một số mặt công tác quản lý học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa còn chưa đúng quy chế.

Phát hiện nhiều sai phạm tại huyện Củ Chi

Kết quả thanh tra công tác giải quyết khiếu nại năm 2018 tại huyện Củ Chi cho thấy, cán bộ được giao nhiệm vụ xác minh không xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại (2/30 hồ sơ); còn tình trạng giải quyết khiếu nại quá hạn (11/30 hồ sơ). Có 3/6 hồ sơ tố cáo không lập kế hoạch xác minh nội dung tố cáo; 3/6 hồ sơ tố cáo giải quyết trễ hạn.

Quản lý, sử dụng ngân sách của UBND huyện Củ Chi năm 2018: Việc UBND huyện Củ Chi sử dụng nguồn kinh phí dự phòng, vượt thu, kết dư ngân sách huyện để chi cho những nội dung phát sinh ngoài dự toán khi chưa được HĐND huyện Củ Chi thông qua trước khi thực hiện là chưa đúng quy định.

Chi cục Thuế huyện Củ Chi chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, biện pháp đốc thu đối với một số tổ chức, cá nhân nợ tiền thuế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến có dư nợ thuế tại huyện khá cao trong năm 2018, nợ thuế chiếm tỷ lệ 10,3% so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2018, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nợ thuế giá trị gia tăng là 80,6 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 13,7 tỷ đồng, tiền thuê đất là 9,4 tỷ đồng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 6,9 tỷ đồng...

Đến thời điểm hiện nay, thông qua công tác cưỡng chế nợ thuế năm 2018 và 2019, Chi cục Thuế huyện Củ Chi đã thu nợ thuế được 46,3 tỷ đồng.

Việc quản lý thu từ việc sắp xếp lại xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước: Có 81 địa chỉ đang cho thuê, chủ yếu là đất nông nghiệp công ích, tại UBND các xã Phú Mỹ Hưng, Phước Thạnh, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Bình Mỹ, Thái Mỹ, không thông qua hình thức đấu giá theo đúng quy định.

Nhiều nội dung cho thuê nhà, đất tại huyện Củ Chi được thực hiện sai quy định, không thông qua đấu giá.

Về việc quản lý tiền thu từ việc cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Củ Chi: Công ty đã trích 40% tiền thu được từ việc cho thuê nhà sở hữu nhà nước năm 2011 và năm 2012 với tổng số tiền là hơn 272 triệu đồng. Nhưng tại đơn vị không phát sinh các chi phí liên quan đến công tác quản lý nhà cho thuê hay sửa chữa nhà thuộc sở hữu nhà nước trong thời gian nêu trên nên phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi: Có 684/729 dự án nông thôn mới chậm thực hiện quyết toán; 20/729 dự án không thực hiện được theo đề án nông thôn mới đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt trong giai đoạn 2010-2015. Tổng số tiền còn dư không sử dụng hết là hơn 19,3 tỷ đồng, theo quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước…

Chánh Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị và đã được Chủ tịch UBND thành phố thống nhất, kết luận chỉ đạo với những nội dung sau: Giao Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong tập thể lãnh đạo UBND huyện Củ Chi; các phòng, ban; UBND các xã, thị trấn và các tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, thiếu sót đã nêu trong phần kết quả và kết luận thanh tra…

Thanh Trúc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/967111/thanh-tra-tp-ho-chi-minh-cong-bo-hang-loat-sai-pham-tai-nhieu-don-vi