Thanh Trì: Chú trọng nâng cao nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng

UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, xác định lực lượng dân phòng là cánh tay nối dài của UBND và Công an các xã, thị trấn trong công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại địa bàn, nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Trì chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng này…

Các học viên là lực lượng dân phòng được huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH. Ảnh: Phương Xuyến

Các học viên là lực lượng dân phòng được huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH. Ảnh: Phương Xuyến

Theo UBND huyện Thanh Trì, Thanh Trì hiện có 94 đội dân phòng với 975 người, về cơ bản các đội dân phòng đã được trang bị phương tiện PCCC và CNCH ban đầu như: bình bột chữa cháy MFZ4, Bình khí chữa cháy, đèn pin, rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực, túi sơ cứu, cáng cứu thương.

Xác định lực lượng dân phòng là cánh tay nối dài của UBND và Công an các xã, thị trấn trong công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại địa bàn, nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Trì chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng này phải sát với tình hình thực tế tại địa phương, để tăng cường khả năng chủ động tổ chức chữa cháy và CNCH ngay tại địa bàn dân cư theo phương châm "bốn tại chỗ" ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản.

Đồng thời chỉ đạo các địa phương soát xét tình hình, thường xuyên củng cố kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ, dân phòng bảo đảm về số lượng, chất lượng, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Nhằm hạn chế nguy cơ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, mới đây, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng chuyên trách PCCC.

Lực lượng Công an PCCC hướng dẫn kỹ năng sử dụng dây thoát nạn khi xảy ra sự cố. Ảnh: Phương Xuyến

Lực lượng Công an PCCC hướng dẫn kỹ năng sử dụng dây thoát nạn khi xảy ra sự cố. Ảnh: Phương Xuyến

Tham gia lớp huấn luyện có 249 người là đội trưởng, đội phó, đội viên các đội dân phòng của 16 xã, thị trấn. Tại đây, các học viên đã được hướng dẫn nghiên cứu các văn bản liên quan như Luật phòng cháy chữa cháy và các Nghị định, thông tư của Chính phủ, Bộ công an về công tác PCCC và CNCH. Thông báo tình hình cháy, nổ, CNCH và bài học kinh nghiệm. Tính chất nguy hiểm cháy, nổ của một số loại chất cháy thường gặp. Đặc điểm công tác CNCH tại một số loại công trình, nhà ở. Qui trình, kỹ năng cứu chữa một vụ cháy, một vụ cứu nạn....

Tại buổi tập huấn, sau phần lý thuyết, lực lượng PCCC dân phòng được hướng dẫn thực hành một số động tác cơ bản sử dụng lăng, vòi, hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà. Phương pháp, biện pháp di chuyển nạn nhân trong các trường hợp khác nhau. Cách rải vòi, cuộn vòi, bảo quản vòi chữa cháy, thao tác cơ bản sở dụng một số loại phương tiện CNCH. Nguyên lý, cấu tạo, tính năng hoạt động của bình chữa cháy xách tay. Một số phương tiện CNCH thông dụng, cách tận dụng phương tiện có sẵn làm phương tiện CNCH. Thao tác sử dụng bình bột chữa cháy và bình chữa cháy bằng khí dập tắt đám cháy.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ cháy, sự cố cháy đã được lực lượng dân phòng và các lực lượng tại chỗ phát hiện và dập tắt ngay từ ban đầu góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Huy Toàn,tuy nhiên, trước tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ cháy tại các khu dân cư ngày càng gia tăng, để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, lực lượng dân phòng cần chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào, nhân rộng mô hình “khu dân cư an toàn PCCC”, “Tổ liên gia an toàn về PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”.

“Lực lượng dân phòng cần thực hiện nghiêm công tác thường trực tại địa phương cũng như sẵn sàng phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức cứu chữa các vụ cháy, nổ xảy ra tại địa phương, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản” – ông Nguyễn Huy Toàn nhấn mạnh.

Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, tiềm ẩn về cháy nổ luôn thường trực, vì vậy huyện Thanh Trì đã quan tâm xây dựng các mô hình phong trào toàn dân PCCC theo chủ trương chung của Trung ương, TP Hà Nội. Đến nay, huyện Thanh Trì đã thành lập 124 tổ liên gia an toàn PCCC, 628 điểm chữa cháy công cộng, 04 cụm liên kết an toàn PCCC trong cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, 11 cụm liên kết làng nghề an toàn PCCC tại xã Tân Triều, 100% nhà ở kết hợp kinh doanh đã được tuyên truyền về PCCC&CNCH trong những tháng đầu năm 2023.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thanh-tri-chu-trong-nang-cao-nghiep-vu-pccc-cho-luc-luong-dan-phong-347914.html