Thanh Trì: Đón Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa Đình Yên Phú
Sáng nay (6/12), Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung; đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Đình Yên Phú.
Tới dự buổi lễ có các đại biểu: Bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Tài Tâm - Hàm vụ phó Vụ Nội chính Văn phòng Chính phủ; Trưởng lão, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Điện - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; bà Trần Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì.
Tại buổi lễ, lãnh đạo phòng Nội vụ huyện Thanh Trì đã công bố Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đặt tên đường mang tên Sư bà Phương Dung và quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Đình Yên Phú, xã Liên Ninh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì cho biết, Sư bà Phương Dung sinh vào thời Đông Hán (đầu công nguyên) ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ - là vị Sư Ni đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, có công lao lớn đối với đạo pháp và dân tộc. Đến năm 40 sau công nguyên khi đang tu hành tại chùa Thanh Vân Cổ Tự (nay là chùa Yên Phú), Sư bà cùng hai người đệ tử là Trung Vũ, Đài Liệu và các tráng sĩ làng Yên Phú nghe theo tiếng gọi của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh dẹp quân Tô Định, giành lại nền độc lập cho dân tộc.
Ngày nay, Chùa Yên Phú đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh đặt tên đường mang tên Sư bà Phương Dung. Đình Yên Phú được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa thành phố Hà Nội.
Trong thời gian qua, huyện Thanh Trì không ngừng quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, từng bước chuyển biến theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, khai thác nguồn lực di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch, phát triển các loại hình công nghiệp văn hóa; góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hướng tới xây dựng con người Thủ đô hoàn thiện theo hướng chân thiện mỹ, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Trong đó có nhiệm vụ rà soát, đề xuất Thành phố đặt tên đường và các công trình công cộng, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và nhân dân trong các hoạt động giao dịch.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì nhấn mạnh: Những chiến công và sự đóng góp của Sư bà Phương Dung là niềm vinh dự, tự hào đánh dấu bước phát triển về mọi mặt của Phật giáo Việt Nam nói chung, và Phật giáo huyện Thanh Trì nói riêng.
Để tên tuổi, sự nghiệp, hoạt động của Sư bà Phương Dung được sống mãi cùng Đạo Phật và dân tộc, đồng thời cũng để làm tốt công tác giáo dục truyền thống văn hóa cách mạng của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ thủ tục lựa chọn tuyến đường đoạn từ ngã ba giao cắt điểm cuối đường Ngọc Hồi tại cầu Ngọc Hồi và di tích chiến thắng Ngọc Hồi đến hết địa phận huyện Thanh Trì (Cầu Quán Gánh) với chiều dài 2.750m, rộng 46m để đề nghị Thành phố đặt tên tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung.
Việc gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Việc đặt tên đường và xếp hạng di tích lịch sử sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển xã Liên Ninh thành phường, huyện Thanh Trì thành quận trong thời gian tới.